MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“CPTPP là chất kích thích với nền kinh tế Việt Nam”

“Hiệp định CPTPP chính là chất kích thích đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng”...

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
37 bài viết

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Hiệp định CPTPP chính là chất kích thích đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Sức ép từ cải cách thể chế là thách thức hàng đầu

Rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile, mở ra những cơ hội và thách thức cho 11 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam.

Nhận định về sự kiện này, trao đổi với VnEconomy, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, đây là nỗ lực lớn của 11 quốc gia để đi đến ký kết một Hiệp định không có Mỹ, gọi là CPTPP.

"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn đối với chúng ta nhưng Mỹ không tham gia, song tôi cho rằng, các thị trường khác như Nhật Bản, Úc, Chile, Singapore… đều là thị trường tiềm năng, là lợi thế cho chúng ta xuất khẩu. Còn riêng với một số ngành như dệt may, da giày... thì đây chính là cơ hội để tận dụng nhiều lợi ích từ CPTPP. Đó là những thuận lợi mà Việt Nam có được", ông Phước nói.

Với các lĩnh vực khác như thị trường chứng khoán, ông Trương Văn Phước ví von CPTPP sẽ tạo "chất kích thích" khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn, kỳ vọng nhiều hơn…

"Những đổi mới về thể chế, những quyết tâm của Chính phủ trong vòng 2-3 năm nay đã tạo ra động lực lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đã có những bước đi rất mạnh mẽ, rất quyết liệt. Từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo lập những điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm ăn, bỏ giấy phép để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút vốn đầu tư bên ngoài…

Trong xu thế chung, CPTPP sẽ tạo thêm các chất kích thích, làm cho nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn, kỳ vọng nhiều hơn", ông Phước nhấn mạnh.

Những thuận lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP đã được chỉ ra khá nhiều, tuy nhiên một vấn đề đặc biệt, vừa là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam ở góc độ quốc gia, đó là cải cách thể chế.

Theo đó, ông Phước cho rằng, Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế mở cửa, nhưng mở cửa sẽ có những áp lực. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hay CPTPP chính là động lực quan trọng để Việt Nam thay đổi thể chế, tăng sự ứng phó và tăng sức cạnh tranh.

Cải tiến thể chế để làm sao sát với thị trường là một trong những điều kiện bắt buộc để thích ứng với các yêu cầu mà CPTPP đã đặt ra.

Thoát phụ thuộc vào một thị trường

Đồng quan điểm, trao đổi với Vneconomy, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực lưu ý thêm, nếu như Nhà nước, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương chậm trễ cải cách thể chế thì sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng được cam kết hội nhập.

Tiếp tục phân tích tác động của CPTPP đến doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Hiệp định này sẽ mở ra khoảng 4 cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Thứ nhất là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Bởi hiện nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (số liệu cuối năm 2017), nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam.

Thứ hai, về đầu tư, 10 nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (tính cộng dồn đến thời điểm hiện nay).

"Khi ký kết CPTPP, sẽ tạo điều kiện cho các dòng vốn FDI cũng như đầu tư gián tiếp, hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập… nhiều cơ hội hơn", ông Lực nói.

Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện trao đổi về kinh nghiệm quản trị điều hành, chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ở khu vực và trong khối. "Qua đó, cũng giúp Việt Nam sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào một khu vực hay một thị trường như trước đây", chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Song song với 4 cơ hội là những thách thức được đặt ra với doanh nghiệp Việt khi gia nhập CPTPP. Những thách thức được ông Lực đề cập đến liên quan đến năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành, liên quan đến minh bạch, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đặc biệt lưu ý đến vấn đề nguồn nhân lực, ở khía cạnh chảy máy chất xám.

"Nếu chúng ta không biết cách thu hút, quản lý, khai thác nhân tài, thì những nguồn nhân lực tốt có thể sẽ làm việc trong khối nhiều hơn. CPTPP là cuộc chơi yêu cầu phải bình đẳng hơn, minh bạch hơn. Nếu như chậm cải cách, chậm đổi mới, không quyết tâm vươn lên thì không thể tận dụng được lợi thế mà ngược lại còn trở thành thách thức", vị chuyên gia này nói.

Lời khuyên được chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra với doanh nghiệp Việt là cần phải tiếp cận và tìm hiểu kỹ hơn những điều khoản của CPTPP, để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, doanh nghiệp của mình, từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt phải hoạt động minh bạch hơn, bài bản hơn và phải có chiến lược cụ thể để tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức.

Theo Duyên Duyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên