MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 09/11: Áp lực chốt lời có thể nhanh chóng quay trở lại ở vùng giá cao

Trong bối cảnh thị trường tăng điểm mạnh mà số mã tăng chỉ nhỉnh hơn chút so với số mã giảm cho thấy sự phân hóa đang có dấu hiệu quay trở lại và dòng tiền có dấu hiệu yếu đi ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, áp lực chốt lời T+3 rõ ràng đang đè nặng lên nhóm này.

CTCK Rồng Việt

Tuần lễ cấp cao APEC (từ 6-11/11) đang là sự kiện thu hút nhất trong thời điểm này. Dù chưa có tác động trực tiếp nào lên thị trường chứng khoán, nhưng có vẻ như tâm lý thị trường cũng đang phần nào được hỗ trợ từ sự kiện này. Tuy ROS giảm mạnh, VN-Index vẫn tăng tới 1,1% lên 859,70 điểm nhờ sự tăng điểm đồng loạt của nhóm ngân hàng và VIC. Cổ phiếu VIC đã tăng gần 50% chỉ trong khoảng 3 tháng trở lại đây, một phần không nhỏ nhờ hiệu ứng từ thương vụ IPO Vincom Retail VRE (có phiên thứ hai không khớp lệnh dù dư mua trần tới hơn 10 triệu cổ phiếu). 9 tháng 2017, VIC ghi nhận doanh thu 57 nghìn tỷ đồng (+67%) và LNST 2.108 tỷ đồng (+23%), tương đương với 71% và 70% kế hoạch năm. Trong thời điểm cuối năm, Vingroup mở bán một dự án lớn VinCity. Với mức giá 700 triệu đồng/căn, đây có thể là bước phát triển tiếp theo cho các dự án phân khúc cao cấp hiện nay của Vingroup.

Điểm nhấn trong ngày hôm qua ghi nhận phiên tăng trần của DQC(+7%) nhờ thông tin HĐQT công ty thông qua phương án mua gần 1 triệu cổ phiếu quỹ. Hiện SLCP lưu hành của DQC là gần 32 triệu cổ phiếu, và KLGD trung bình 10 phiên gần nhất vào khoảng 64.000 cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, PME (+20%) cũng tăng hết biên độ lên 81.600 đồng với dư mua 150 ngàn cổ phiếu trong phiên chào sàn HOSE. Với quyết định lên sàn, PME trở thành công ty tân dược có quy mô lớn thứ hai về doanh thu và lợi nhuận trong số các công ty niêm yết, chỉ sau DHG.

CTCK BSC

Diễn biến của thị trường đang trong giai đoạn khá khó lường khi biên độ dao động trong phiên đang dần được nới rộng hơn, dù có nhịp điều chỉnh vào cuối phiên sáng nhưng điểm số thị trường vẫn tiếp tục đà hưng phấn vào phiên chiều (đã có thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 860 điểm). Nổi bật trong ngày hôm qua là các cổ phiếu ngành Ngân hàng khi có sự gia tăng đáng kể về mặt chỉ số cũng như thanh khoản khớp lệnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng đang có xu hướng hồi phục và tập trung tại các ngành Thép, một số cổ phiếu Bất động sản và đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể kể đến như VNM, VJC, FPT. Việc cổ phiếu VRE tiếp tục dư mua giá trần cũng tác động tương đối tích cực đến tâm lý nhà đầu tư. Với dòng tiền hồi phục và lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cột như phiên hôm nay thì nhiều khả năng điểm số của thị trường sẽ tiếp tục hướng đến những mốc cao mới, tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên hạn chế tham gia vào các mã có yếu tố thị trường cao khi dòng tiền hiện tại đang co cụm ở các mã cổ phiếu lớn và chưa lan tỏa.

CTCK Bảo Việt - BVSC

Với diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sức lan tỏa tốt của dòng tiền trong phiên hôm qua, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục có nhịp hồi ngắn hạn trong các phiên sắp tới.

Mặc dù vậy, xu hướng tăng điểm bền vững trong trung hạn chưa đủ điều kiện được xác nhận. Áp lực chốt lời có thể nhanh chóng quay trở lại ở vùng giá cao.

CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS

Trong bối cảnh thị trường tăng điểm mạnh mà số mã tăng chỉ nhỉnh hơn chút so với số mã giảm cho thấy sự phân hóa đang có dấu hiệu quay trở lại và dòng tiền có dấu hiệu yếu đi ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, áp lực chốt lời T+3 rõ ràng đang đè nặng lên nhóm này.

Trong phiên giao dịch 9/11, VN-Index có thể duy trì đà tăng để chỉ số chính thức vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 860 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức an toàn và tích cực quan sát thị trường để có quyết định hợp lý.

Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những phiên giảm điểm để mua thêm những mã cổ phiếu có triển vọng tích cực.

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên