MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 23/04: Nghi ngờ về tín hiệu hồi phục

VPBS cho rằng mức độ hồi phục và dòng tiền trong phiên hồi phục hôm cuối tuần vẫn mang nhiều ý nghĩa của một đợt hồi phục ngắn hạn trước sự chi phối lớn hơn của bối cảnh suy giảm.

CTCK BSC: Áp lực điều chỉnh có thể còn tiếp tục xuất hiện

Thị trường đã có phiên giao dịch hồi phục sau phiên giảm bất ngờ hôm qua. Đầu phiên giao dịch tâm lý thận trọng vẫn chi phối thị trường khi Vn-Index chỉ dao động quanh mức tham chiếu. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, tâm lý mua vào bắt đáy khiến dòng tiền đổ vào thị trường tăng vọt. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, KDC… được mua vào nhiều, cùng với sự khởi sắc của nhóm Ngân hàng (ACB, MBB, BID, VPB…) kéo thị trường tăng điểm trở lại. Đáng chú ý, giao dịch thỏa thuận của NVL và VPB tăng mạnh.

BSC nhận định, áp lực điều chỉnh có thể còn tiếp tục xuất hiện cho đến khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể điều chỉnh tỷ trọng danh mục, kết hợp với theo dõi thị trường để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn.

CTCK VPBS: Chỉ số có thể hồi phục về vùng 1.150 điểm trong vài phiên tới

Chúng tôi ghi nhận được trạng thái bán tháo tiếp tục diễn ra trong đầu phiên và áp lực giải chấp margin đã diễn ra khiến phần nào kích thích thêm lực cầu bắt đáy đồng loạt ở các vùng giá thấp. Lực cầu ban đầu là khá yếu nhưng mạnh dần và áp đảo hẳn bên bán cho thấy sự thận trọng vẫn tiếp tục chi phối nhưng dần cũng đạt được sự tích cực nhất định và thanh khoản có sự tăng trưởng cũng phản ánh có sự nhập cuộc của nhiều dòng tiền mới. 

Tuy vậy, chúng tôi đánh giá mức độ hồi phục và dòng tiền trong phiên hồi phục hôm cuối tuần vẫn mang nhiều ý nghĩa của một đợt hồi phục ngắn hạn trước sự chi phối lớn hơn của bối cảnh suy giảm. Theo đó, nhà đầu tư nên thận trọng trong nhịp hồi phục và ưu tiên cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu, giảm giá vốn cho các danh mục trung hạn.

Hệ thống kỹ thuật của chúng tôi cho rằng chỉ số có thể hồi phục về vùng 1.150 điểm trong vài phiên tới nhưng nhìn chung trạng thái chủ đạo trong ngắn hạn hiện vẫn là giảm với ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1.080 điểm trong khi kháng cự ngắn hạn mới ở vùng 1.150 điểm.

Chứng khoán Nhất Việt – VFS: Lực bán "giải chấp" yếu ớt, thị trường phục hồi nhanh

Sau phiên "đánh úp ATC" trước đó, thị trường đã không có sự hoảng loạn bán tháo, và lực "giải chấp" cũng không nhiều. Dòng tiền bắt đáy vốn kỳ vọng mua rẻ có thể phải "thất vọng" và chấp nhận mua giá cao hơn, đặc biệt về cuối phiên. Có thể thấy nhịp giảm này của thị trường đơn thuần mang tính chất kỹ thuật và cục bộ tại nhóm cổ phiếu tăng nóng như: cổ phiếu trụ và ngân hàng. Không có thông tin quá xấu để có sự bán tháo hay lệnh "giải chấp" toàn thị trường. Điều này còn thể hiện rõ hơn ở nhiều cổ phiếu không bị tác động và còn leo lên "đỉnh cao" mới như: CEO, ASM, VHC… Lo ngại khối ngoại rút ra cũng trở nên thừa khi chỉ cần phiên mua ròng đột biến hôm nay hơn 3.418 tỷ trên Hsx (trong đó tập trung tại giao dịch thỏa thuận gần 56 triệu cp NVL) đã vượt trội giá trị bán ròng những phiên trước đó.

Ở chiều khác một bộ phận nhà đầu tư có tâm lý "nghỉ lễ" và sợ hiệu ứng "sell in May" đang chọn giải pháp đứng ngoài khiến cho dòng tiền vào thị trường vẫn chưa thực sự cải thiện. Trên đồ thị kỹ thuật chỉ số Vn-index có cây nến dài tăng điểm quá nửa cây nến giảm điểm trước đó và phục hồi trở lại đường MA 50 ngày (1.128). Điều này có nghĩa vùng hỗ trợ quanh đường MA 50 này vẫn đáng tin cậy, đồng nghĩa kênh xu hướng tăng giá trung hạn vẫn chưa bị phá vỡ.

Hoạt động mua "lướt sóng" cần chờ đợi thanh khoản thị trường tăng lên hoặc cổ phiếu bị giảm quá đà. Giảm tỷ trọng giao dịch ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu trụ, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán…nhưng tăng giao dịch tại nhóm cổ phiếu midcap có thông tin hỗ trợ như: VHC, CEO, ASM, CTD… Đối với nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng tại các cổ phiếu "tiềm năng" đang ở mức giá hấp dẫn như: VRE, BSR, LPB…

CTCK Rồng Việt: Nghi ngờ về tín hiệu hồi phục

Dường như tâm lý hoảng loạn trong phiên hôm trước vẫn còn dư âm khi thị trường ghi nhận ngay một đợt giảm mạnh chỉ sau vài phút đầu phiên. Những tưởng một kịch bản giảm sâu sẽ tiếp tục lặp lại, dòng tiền bắt đáy bất ngờ đưa thị trường bật tăng, với nhóm ngân hàng (VCB, CTG, BID), và các mã lớn GAS, SAB, VIC là các trụ chính. Khi mà dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, VNIndex không gặp quá khó khăn để tăng mạnh hơn 2,3% lên 1.119,9.

Tuy nhiên, thanh khoản thấp cùng sự kém hứng thú của khối ngoại tiếp tục khiến chúng tôi nghi ngờ về tín hiệu hồi phục. Tổng GT GDKL không quá lớn (4.800 tỷ đồng), còn khối ngoại thực ra bán ròng 200 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận NVL (3.400 tỷ đồng).

Như vậy, VNIndex đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, và đây cũng là một trong hai giai đoạn điều chỉnh rõ ràng nhất của chỉ số kể từ đầu năm đến nay. Những tín hiệu hiện tại khiến chúng tôi tin rằng thị trường cần nhiều thời gian hơn để phục hồi so với giai đoạn điều chỉnh trước đó. Sự cẩn trọng là cần thiết lúc này.

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên