MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietinbank Securities dự báo triển vọng doanh nghiệp không quá sáng, VN-Index kết thúc năm 2019 đạt khoảng 926 điểm

Theo dự báo của Vietinbank Securities, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% năm 2019, các chỉ số cơ bản khác cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index sẽ chỉ đi ngang và đạt khoảng 926 điểm vào thời điểm cuối năm.

Theo báo cáo mới được công bố của CTCK Vietinbank - Vietinbank Securities (CTS), kể từ sau tết tới nay, thị trường đón nhận 2 tin tốt về việc Fed rate có thể không tăng thêm trong năm 2019 và việc Mỹ - Trung có khả năng đạt được thoả thuận trong tương lai và điều này khiến dòng vốn bắt đầu trở lại thị trường cổ phiếu toàn cầu cũng như Việt Nam.

Trong vòng 1 tháng kể từ ngày 04/02 – 03/03/2019, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt 111,6 triệu USD. Thanh khoản thị trường cũng sôi động hơn giúp thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu Bluechip.

Lượng vốn chảy vào thị trường thông qua các quỹ ETF cũng khá lớn, có thể kể đến VNM ETF với lượng phát hành chứng chỉ quỹ mới có giá trị lên tới hơn 66 triệu USD.

VietinbankSc dự báo triển vọng doanh nghiệp không quá sáng, VN-Index kết thúc năm 2019 đạt khoảng 926 điểm - Ảnh 1.

Dòng vốn ngoại đổ mạnh vào TTCK Việt Nam từ đầu năm tới nay có sự đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETF

Tuy vậy, một điểm không thực sự thuận lợi là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại. Trong năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trên HoSE lần lượt đạt 26,99% và 22,2%, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận các năm gần đây luôn cao hơn so với mức tăng trưởng doanh thu. Điều này hàm ý rằng chất lượng tăng trưởng lợi nhuận cần được xem xét, khi giai đoạn thuận lợi trôi qua, biên lợi nhuận có thể điều chỉnh về mức thấp hơn.

Đáng chú ý, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường và hầu hết các ngành trừ BĐS đang có dấu hiệu chậm lại rõ rệt. Cụ thể, lợi nhuận toàn thị trường tăng 9,3% quý 04/2018, thấp hơn nhiều so với cả năm đạt 22,2%. Nhóm ngành dầu khí và các doanh nghiệp khác thậm chí có mức tăng trưởng lợi nhuận âm. Triển vọng tăng trưởng các ngành năm 2019 cũng không quá sáng sủa.

Theo CTS, 2019 sẽ tiếp tục là một năm thuận lợi đối với kinh tế vĩ mô Việt Nam, tuy nhiên đóng góp chính vào tăng trưởng là từ khối doanh nghiệp FDI. Việt Nam có mối quan hệ tốt với hầu hết các nước trên thế giới, có nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư cũng như thiện chí của chính phủ. Theo một cuộc khảo sát ở Nhật Bản hồi tháng 01/2019 được thực hiện bởi Kyodo News-afiliated, Việt Nam là điểm điến số một để đầu tư ra nước ngoài với 36% ý kiến của các công ty nước này, Ấn Độ đứng thứ 2 với 18% và Trung Quốc chỉ có 8%. Ý tưởng tương tự cũng rất phổ biến ở Trung Quốc khi các doanh nghiệp đang hoạt động ở nước này cho rằng Việt Nam có chi phí sản xuất rẻ hơn và lực lượng lao động trẻ hơn.

Trái ngược với yếu tố tích cực từ dòng vốn FDI, triển vọng của khối doanh nghiệp nội trong năm 2019 là không quá sáng. Trong khi đây là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng giảm giá trên thị trường chứng khoán.

Theo dự báo của CTS, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% năm 2019, các chỉ số cơ bản khác cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index sẽ chỉ đi ngang và đạt khoảng 926 điểm vào thời điểm cuối năm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên