MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ nghỉ Lễ là nằm ườn ở nhà cả ngày: Vì sao bạn lại lãng phí thời gian khủng khiếp, tự biến mình thành kẻ thua của cuộc đua như vậy?

26-01-2020 - 00:17 AM | Sống

Mỗi kỳ nghỉ trôi qua người ta lại than thở: "Sao đi làm thì thời gian trôi rất lâu, thế mà ngày nghỉ lại ngắn thế, chớp mắt một cái đã hết rồi?". Tất cả chỉ vì hai chữ "lãng phí" mà thôi.

Mỗi năm một lần, cứ đến dịp Tết đến Xuân về, người ta lại nô nức về quê, về nhà để cùng đón tân niên bên cạnh gia đình và những người thân yêu nhất. Thuở nhỏ, đây là những ngày được trông đợi nhất năm, chúng ta chờ mong những bộ quần áo mới, những món đồ chơi mới, trường học cho nghỉ, ở nhà được chơi, lại được nhận thêm cả tiền lì xì mừng tuổi. Toàn bộ quá trình chỉ cần quan tâm đến việc hưởng thụ mỗi ngày mà thôi. Cái Tết của trẻ thơ chỉ vô lo vô nghĩ, mới nhẹ nhàng vui vẻ làm sao.

Tuy nhiên, khi người ta ngày một trưởng thành, bắt đầu có sự nghiệp của riêng mình, chẳng ai có thể vô tư chơi đùa mỗi dịp Tết được nữa. Hầu hết mọi người đều chỉ coi Tết là một dịp nghỉ ngơi dài ngày sau 1 năm công tác mệt mỏi. Thế nhưng Tết cũng không chỉ đơn giản là vậy, mà còn kéo theo rất nhiều công việc bộn bề từ việc lau dọn nhà cửa, quán xuyến đồ ăn, thăm hỏi họ hàng người thân khắp nơi… Đó là bao trăn trở về chi phí, tiền bạc để sửa sang, để thay mới, để quà cáp các nhà.

Chưa kể tới các mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp chứ không thể giản đơn như xưa. Những hàng xóm, bạn bè năm trước còn tụ tập đi chơi cùng nhau thì giờ cũng rơi rụng dần dần, đứa xuất ngoại, đứa đi xa, đứa lấy chồng, đứa lấy vợ, đứa đã ẵm ngửa thêm đứa con… Một thời gian dài không gặp gỡ và tâm sự, các mối quan tâm hệ trọng nhất của con người ta đã thay đổi rất nhiều. Không phải ai cũng còn “hợp” và còn “vui” khi gặp nhau nữa.

Nếu như trước kia, Giao thừa chúng ta cố thức để được xem pháo hoa, hoan hỉ đón mừng năm mới, nhận tiền lì xì tân niên đầu năm từ người thân, cha mẹ thì bây giờ, đêm Giao thừa nào cũng phải thức để lo bóc bánh chưng, luộc con gà, chuẩn bị bày biện trang trí nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ lần cuối để thắp hương gia tiên.

Do đó, không khó hiểu khi ngày càng nhiều người than thở với tâm lý sợ Tết, chán Tết. Thay vì vui vẻ đón Xuân, không ít bộ phận giới trẻ lại nảy sinh tâm lý trốn tránh, chỉ muốn nằm ườn ở nhà cả ngày cho hết thời gian nghỉ. Công nghệ Internet phát triển cũng khiến chúng ta thỏa thích cắm đầu vào những thiết bị nhỏ bé mà chứa đựng vô vàn điều thú vị, rồi bỏ qua cuộc sống thực đang diễn ra ngay xung quanh. Đóng cửa lại, chúng ta chỉ cần một chiếc smartphone cũng trải qua cả tuần Tết.

Cứ nghỉ Lễ là nằm ườn ở nhà cả ngày: Vì sao bạn lại lãng phí thời gian khủng khiếp, tự biến mình thành kẻ thua của cuộc đua như vậy? - Ảnh 1.

Thế nhưng đó có thực sự là Tết, một cái Tết yên, Tết đúng nghĩa hay không? Sau 1 năm với nhiều bộn bề lo toan, đơn độc trăn trở một mình, có những áp lực vô hình luôn đè nặng trên vai, tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội này để ở bên người thân, gặp lại đôi người bạn cũ, tìm lại một vài mảnh ký ức thanh xuân tươi sáng và vô lo vô nghĩ như xưa để sạc năng lượng cho chính mình?

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đã tự xây dựng nên cho mình một kế hoạch sinh hoạt tỉ mỉ và chính xác, ăn ngủ điều độ, làm việc và nghỉ ngơi đan xen. Lối sống đó kỷ luật bao nhiêu thì đến dịp Tết, chúng ta lại tự cho mình quyền buông thả bấy nhiêu. Thích thì thức đêm, thích thì dậy muộn, bữa thì nhịn, bữa lại “chén tạc chén thù” quá no say… Mỗi ngày nhìn như chúng ta đang nghỉ ngơi, nhưng thực tế thì cơ thể còn vất vả hơn cả thời gian làm việc.

Chính vì thế, dù ở vào thời điểm nào cũng phải tự quản lý thời gian cho thật tốt. Đừng để lãng phí những giá trị thanh xuân quý giá vào thế giới ảo, không đem lại cho ta bất cứ điều gì. Để đến lúc quay trở lại với cuộc đua, chúng ta đã tụt lùi rất xa so với vạch xuất phát của những người khác, thậm chí còn quên luôn cả cách khởi động thế nào để bắt đầu tiến bước.

Để quản lý thời gian rảnh rỗi dịp Tết Dương lịch này và Tết Âm lịch sắp tới, hãy chú ý 2 điều sau:

1. Đừng làm gián đoạn nhịp sống khi đứng trước một kỳ nghỉ dài

Nhiều người hay than thở: “Sao mà ngày nghỉ ngắn thế, chớp mắt một cái đã hết rồi?” Câu trả lời chính là do, ngày nghỉ của chúng ta thường không có buổi sáng.

Vì nghĩ rằng ngày mai không phải đi làm, không có công chuyện nên không cần dậy sớm, chúng ta thản nhiên tắt báo thức, ngủ một giấc đến tận giữa trưa, thức dậy và ăn trưa luôn. Như thế, nửa ngày đã trôi qua trong sự lãng phí, nhịp sống cá nhân cũng bị đảo lộn. Chớp mắt một cái đã đến tối mịt, chúng ta mới giật mình cảm thấy mình chưa kịp làm gì cả. Đối với một người có động lực, nếu một khoảng thời gian lớn bị lãng phí như vậy suốt một thời gian dài, họ sẽ cảm nhận được sự thua cuộc của bản thân.

Kỳ nghỉ là khoảng thời gian để chúng ta nghỉ ngơi,nhưng đừng nghỉ quá mức, hãy giữ sự điều độ trong lối sống để nó không trở thành lười biếng. Khi lãng phí cả nửa ngày như thế, không chỉ trái tim không thỏa mãn mà cơ thể bạn không thể chịu đựng nổi. Thời gian biểu sinh hoạt bị đảo lộn sẽ khiến cơ thể càng mệt mỏi hơn. Vào cuối kỳ nghỉ, đồng hồ sinh học không kịp điều chỉnh lại càng khiến thể chất và tinh thần rệu rã hơn.

Cứ nghỉ Lễ là nằm ườn ở nhà cả ngày: Vì sao bạn lại lãng phí thời gian khủng khiếp, tự biến mình thành kẻ thua của cuộc đua như vậy? - Ảnh 2.

2. Đừng tìm lý do để tiếp tục lười biếng, hãy kiên trì làm một chuyện quan trọng mỗi ngày

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa “nghỉ ngơi” và “lười biếng” khi cho rằng, sau 1 năm công tác, họ có quyền buông bỏ mọi chuyện ra khỏi đầu khi bước vào kỳ nghỉ của mình. Do đó, họ vô tư chơi đùa, tụ tập thâu đêm suốt sáng, chỉ tìm đến những thú vui và bỏ ngoài tâm trí toàn bộ những chuyện khác.

Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều người nhìn nhận rõ ràng tầm quan trọng của thời gian. Thay vì dành 100% kỳ nghỉ cho nghỉ ngơi, họ cũng không quên tận dụng những lúc rảnh rỗi để làm việc quan trọng, giúp bản thân vẫn không ngừng tiến bộ. Đó có thể là đọc một cuốn sách, nghe một buổi diễn giảng, tập luyện thể dục thể thao, làm những chuyện ý nghĩa mà trong năm vừa qua, họ chưa có thời gian để thực hiện. Thông qua những việc làm có mục đích, họ vẫn không ngừng đạt được thu hoạch, kiên trì tích lũy bản thân.

Do đó, có thể thấy rằng, bất luận ở vào thời điểm nào trong năm, khi bạn đang công tác hay nghỉ ngơi, đừng quá dung túng và buông thả chính mình. Càng sinh hoạt điều độ, quản lý thời gian tốt thì chúng ta mới càng tận dụng được kỳ nghỉ theo phương thức tốt nhất.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên