MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú ‘sốc’ từ bộ trưởng

Trong các chính sách thường bịngười dân, doanh nghiệp và báo chí kêu ca nhiều nhất có lẽ là chính sáchcủa ngành thuế, hải quan.

Từ năm 2015 tới nay những cuộc đối thoại chính sách giữa ngành thuế, hải quan chưa bao giờ tẻ nhạt. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các chính sách thuế, hải quan bao giờ cũng đề cập tới những vấn nạn của hai ngành này như chi phí bôi trơn, thái độ của cán bộ kém văn minh, lịch sự.

Chắc có lẽ vì vậy mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cảm thấy “sốc” khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong cuộc họp trực tuyến toàn ngành thuế về triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 17-3 đã phê phán thẳng thắn báo cáo đẹp của ngành thuế.

Không phải bộ trưởng không buồn, tự ái, bực mình về việc báo chí giật tít đậm về những phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực của ngành thuế. Nhưng sau những phản ứng tâm lý rất con người ấy là bản lĩnh của một chính khách khi thấy rằng đó là sự cần thiết.

Thông thường nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương khi bị đánh giá thấp hoặc phanh phui tiêu cực sẽ phản ứng bằng nhiều cách khác nhau. Phủ nhận trên báo chí, ra văn bản phản đối, đứng dậy rời cuộc họp…

Còn ở đây thay vì phản đối, nói ngược lại hay chẳng thèm quan tâm, Bộ Tài chính tìm giải pháp “dọn dẹp” những bề bộn.

Hàng loạt giải pháp được đưa ra. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất vẫn là việc không công nhận lãnh đạo cục thuế nào là hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt nếu chỉ số về nhũng nhiễu và chi phí bôi trơn không được giảm thiểu. Gắn hiệu quả giảm thiểu tiêu cực với trách nhiệm của người đứng đầu có lẽ là phương pháp đúng đắn.

Dĩ nhiên sự quyết liệt của bộ trưởng Bộ Tài chính là rất khác biệt so với cách hành xử thông thường. Lắng nghe tiếng nói của công luận rồi tìm giải pháp là điều đương nhiên nhưng không phải nơi nào cũng làm được.

Điều đáng quan tâm hiện nay chính là khoảng cách giữa nói và làm có được thu hẹp không, hay nó vẫn là căn bệnh kinh niên của nền hành chính nước ta? Điều này không phải là võ đoán khi mà Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo sức nóng hừng hực ở trung ương. Nhưng dưới địa phương, như thông tin tại cuộc họp về nghị quyết này hồi đầu tháng 3, là rất “lạnh lẽo”.

Liệu những giải pháp của Bộ Tài chính có được thực thi triệt để hay không vẫn còn chờ thời gian trả lời. Nhưng dẫu sao thái độ ứng xử của Bộ Tài chính đối với các thông tin tiêu cực về ngành thuế trên công luận là một điều hiếm có.

Nó có thể “gây sốc” cho những ai luôn chứng kiến sự né tránh, đùn đẩy của các cơ quan nhà nước trước những thông tin tiêu cực của mình. Nhưng nhân dân cần những cú sốc ấy lan tỏa và trở thành một nét chính trong đời sống công vụ.

Theo Chân Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên