MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục Đăng kiểm: Thông tư mới không liên quan đến Thông tư 20

Xoay quanh việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo thông tư quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chủ trì hoàn thiện.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, các nội dung trong Dự thảo này chỉ là hàng rào kỹ thuật, không hạn chế quyền kinh doanh và không có tác dụng hạn chế số lượng xe nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu.

Xin ông cho biết mục đích cũng như những cơ sở để đơn vị soạn thảo xây dựng nội dung Dự thảo thông tư quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu?

Ông Trần Kỳ Hình: Thông tư mới được xây dựng nhằm thay thế Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT và 55/2014/TT-BGTVT. Kế hoạch này đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng ký và được Bộ GTVT phê duyệt vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của năm 2016 từ năm 2015.

Triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, chúng tôi xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 31 và 55 theo hướng thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra, chứng nhận, căn bản chuyển sang hậu kiểm; tích cực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chứng nhận phương tiện; triển khai thủ tục trực tuyến đối với hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thay thế cho hồ sơ giấy đối với các phương tiện nhập khẩu.

Thông tư mới ra đời nhằm đáp ứng kỳ vọng bảo đảm giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước được đối xử như nhau trong việc kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng, tạo ra hàng rào kỹ thuật bảo đảm an toàn chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Khi Thông tư này có hiệu lực sẽ tác động tới tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu, kể cả chính hãng và không chính hãng.

So với các quy định nêu tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT và 55/2014/TT-BGTVT, tại sao lại cần thiết bổ sung thêm vào dự thảo Thông tư mới, thưa ông?

Ông Trần Kỳ Hình: Các quy định mới được bổ sung với mục đích hài hòa quá trình chứng nhận chất lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.

Hiện nay, có một số nhà nhập khẩu đặt hàng xe chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận thì khi vào Việt Nam, để được cấp giấy chứng nhận xe cơ giới nhập khẩu chỉ phải thử nghiệm về an toàn và khí thải (nhưng không có yêu cầu về hồ sơ thiết kế). Trong khi đó, đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước có yêu cầu về hồ sơ thiết kế rồi tiến hành thẩm định, kiểm tra, thử nghiệm theo quy định; thực hiện việc đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở sản xuất (đánh giá COP). Nếu đạt được các yêu cầu theo quy định thì mới được cấp giấy chứng nhận. Các tài liệu này sẽ là căn cứ đầy đủ hơn để cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận cũng như công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát chất lượng phương tiện chặt chẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, các quy định trên còn giúp người nhập khẩu chủ động hơn trong việc kiểm soát trước về chất lượng phương tiện, nguồn gốc linh kiện, xuất xứ sản phẩm đồng thời biết trước kiểu loại xe dự kiến nhập khẩu hoàn toàn thỏa mãn quy định của Việt Nam với các thông số cụ thể được chứng nhận để có các cách thức chào bán ra thị trường. Doanh nghiệp nhập khẩu chủ động về định hướng phát triển sản phẩm để tiến tới nhập khẩu hàng loạt (vì có nhiều trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đã phải tái xuất xe khi không kiểm soát trước được chất lượng và thông số của xe dẫn đến không phù hợp với các quy định và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Ngoài quy định nêu trên, Dự thảo thông tư mới cũng bổ sung quy định về hậu kiểm. Quy định này được bổ sung nhằm triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ, cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện.

Về quy định đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng, quy định hiện tại không giới hạn việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng từ bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có tiêu chuẩn khí thải thấp hơn ở Việt Nam. Dự thảo thông tư mới bổ sung quy định xe cơ giới đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu từ các nước có tiêu chuẩn khí thải hiện hành tương đương hoặc cao hơn mức khí thải hiện hành ở Việt Nam.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo thông tư mới cũng quy định rõ trách nhiệm của người nhập khẩu trong việc triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất.

Vừa rồi, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô Việt Nam vừa và nhỏ có văn bản gửi Bộ GTVT và Chính phủ cho rằng quy định thương nhân phải nộp bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng nêu ra trong Dự thảo thông tư mới này thực chất chỉ là một thủ tục hành chính, yêu cầu một phương tiện phải được kiểm tra 2 lần, với nhiều nội dung trùng lặp, không cần thiết, gây tốn kém chi phí xã hội. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Ông Trần Kỳ Hình: Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới nhập khẩu thực tế là giấy chứng nhận kiểu loại của các nhà sản xuất xe chính hãng. Mỗi một loại xe ra đời, đều có một bản mẫu được chứng nhận bằng loại giấy này. Còn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng là loại giấy được cấp cho mỗi chiếc xe sau khi ra khỏi xưởng được làm theo đúng mẫu của nhà sản xuất. Với những xe có đủ 2 loại giấy này, Cục Đăng kiểm sẽ không kiểm tra nữa mà cho thông quan luôn. Còn với những doanh nghiệp nhập khẩu không có 2 loại giấy này sẽ phải kiểm tra và thử nghiệm theo quy trình trong nước, đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới được thông quan.

Dự thảo Thông tư mới sẽ đáp ứng nguyện vọng của cả hai nhóm doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng và doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng, bởi xe nào vào Việt Nam cũng đều phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Việt Nam.

Thực tế, không phải xe chính hãng nào cũng được cho lưu hành ở Việt Nam bởi không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ GTVT, không thỏa mãn về mặt tải trọng nên không được lưu thông.

Có quan điểm cho rằng, một số nội dung trong Dự thảo thông tư mới lần này đang dần thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương, gây khó khăn và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Kỳ Hình: Cơ quan soạn thảo đã đưa vào quy định mới về lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh và chủ động trong hoạt động kinh doanh. Đây chỉ là hàng rào kỹ thuật, không hạn chế quyền kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn bó, có tâm huyết và trách nhiệm thì đều vượt qua được hết. “Cuộc chơi” này không dành cho những người kinh doanh theo kiểu chụp giật, thiếu chuyên nghiệp.

Hơn nữa, tôi khẳng định Dự thảo thông tư mới lần này không liên quan gì đến việc thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương bởi Cục Đăng kiểm chỉ có trách nhiệm quản lý chất lượng xe, không kiểm soát hay hạn chế số lượng xe nhập khẩu vào. Thông tư này nhằm mục tiêu bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất xe cơ giới trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phan Trang (thực hiện)

Chinhphu.vn

Trở lên trên