MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Củng cố tiềm năng tăng trưởng, khối ngoại mua ròng cổ phiếu SBT (Kỳ 2)

Trước đó, ngày 03/10/2018, Công ty chứng khoán (CTCK) FPT cũng ra khuyến nghị Theo dõi với cổ phiếu SBT với Giá mục tiêu là 23.330 đồng, tăng 12% so với giá giao dịch là 20.800 đồng vào thời điểm ra Báo cáo.

FPTS ước tính Doanh thu thuần trong Niên độ 18 - 19 của SBT đạt khoảng 12.763 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, không bao gồm Lợi nhuận tài chính đạt 801 tỷ đồng, tăng 26% và LNST đạt 559 tỷ đồng, tăng 2%, tương ứng với mức EPS đạt 1.003 đồng/cổ phiếu, tăng 3%.

FPTS đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của SBT trong thời gian tới khi cho rằng trên phương diện sản xuất, SBT có thể so sánh tương đương với những doanh nghiệp có quy mô vừa tại Thái Lan; nhưng nếu đứng trên khía cạnh kết quả hoạt động kinh doanh thì SBT không hề thua kém các doanh nghiệp có quy mô lớn tại nước bạn như Khon Kaen Sugar hay Thai Identity.

Theo đó, luận điểm đầu tư của FPTS vào cổ phiếu SBT được bổ trợ từ các động lực chính: (1) Quy mô sản xuất lớn, tiêu thụ dẫn đầu thị phần cả nước khi sau sáp nhập, SBT sở hữu 9 nhà máy Đường, sản xuất được hơn 620.000 tấn Đường/năm, chiếm 30% năng lực sản xuất cả nước và nắm giữ 56% thị phần Đường nội địa; (2) Tiềm năng phát triển thị trường Đường nội địa và xuất khẩu khi SBT đã thu hẹp khoảng cách cạnh tranh với Đường Thái Lan nhờ giảm giá mua mía và giá thành sản xuất Đường, qua đó tạo động lực mở rộng thị trường; (3) Lợi nhuận đến từ các khoản thoái vốn, các khoản đầu tư và thanh hoán bất động sản tại những thời điểm hợp lý với tỷ suất sinh lời khả quan.

Sau một thời gian biến động, trong khoảng 3 tuần gần đây, giá Đường thô và Đường trắng thế giới liên tục tăng lần lượt gần 30% và hơn 20% so với thời điểm đầu tháng 10. Đây là những tín hiệu phục hồi vô cùng tích cực đối với ngành Đường thế giới cũng như trong nước. Cùng với đó, ngành Đường Việt Nam hiện cũng đang sở hữu nhiều cơ hội nhờ tăng trưởng kinh tế mở rộng với GDP dự kiến từ các Tổ chức uy tín trên thế giới như HSBC, WB, ANZ, ADB, UOB, Standard Chartered đều trong khoảng 6,5% đến 7% cho năm 2018.

Ngoài ra, cung cầu về Đường ở Việt Nam đang có mối tương quan ngược chiều khi từ Niên độ 13 - 14 trở lại đây, lượng Đường sản xuất có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ có xu hướng tăng dần lên. Việt Nam dự kiến cần thêm 01 - 1,5 triệu tấn Đường trong vài năm tới để phục vụ cho nhu cầu cá nhân và công nghiệp thực phẩm.

Củng cố tiềm năng tăng trưởng, khối ngoại mua ròng cổ phiếu SBT (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Với những nhận định tích cực về định hướng chiến lược và tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu SBT từ các CTCK lớn trên thị trường, những thông tin bổ trợ tích cực từ giá Đường thế giới, cũng như sự hỗ trợ sát sao của Chính phủ trong thời gian gần đây; tiếp tục củng cố lòng tin đối với Cổ đông, Nhà đầu tư vào cổ phiếu SBT. Ngày 10/10/2018, bà Đặng Huỳnh Ức My - Thành viên Hội đồng Quản trị đồng thời là Cổ đông lớn đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu, dự kiến giao dịch sẽ được thực hiện từ 16/10/2018 tới 14/11/2018. Sau khi thực hiện thành công giao dịch này, bà sẽ nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu lên hơn 52,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 10,6% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Củng cố tiềm năng tăng trưởng, khối ngoại mua ròng cổ phiếu SBT (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Tính đến hết ngày 19/10/2018, giá cổ phiếu SBT đóng cửa ở mức 20.500 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 44% so với thời điểm đáy của cổ phiếu SBT ngày 28/5/2018. Thanh khoản trung bình 52 tuần đạt hơn 4,6 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch trung bình khoảng 89 tỷ đồng cho 1 phiên giao dịch, cao vượt trội so với các Doanh nghiệp cùng ngành. Giá trị vốn hóa của SBT hiện nay đang dẫn đầu ngành Mía đường Việt Nam khi đạt 10.156 tỷ đồng, tương đương 444 triệu USD.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên