MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0: Các nhà quản lý phải liên tục cập nhật xu hướng mới

09-01-2018 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Kỹ sư, thạc sỹ Công nghệ thông tin và Quản lý tại Pháp Phạm Trường Thi, thuộc AVSE Global, một mạng lưới kết nối và chia sẻ tri thức uy tín của người Việt trên toàn thế giới có những chia sẻ thú vị xoay quanh vấn đề nguồn nhân lực và đào tạo con người trước cơn sóng của cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, các nhà quản lý doanh nghiệp phải có sự nhanh nhạy cần thiết để bắt kịp với xu hướng mới, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của chính họ.

Người ta nói nhiều về nền kinh tế số hóa, những ưu việt của cách mạng công nghệ 4.0 nhưng muốn chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống hiện tại sang dẫn đầu trong cuộc đua tới nền kinh tế số hóa phải bắt đầu từ đâu?

Nền kinh tế số hoá và cuộc CMCN 4.0 chủ yếu hoạt động dựa trên tri thức và công nghệ. Vì vậy, để chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang dẫn đầu trong cuộc đua tới nền kinh tế số hoá, việc đầu tiên phải làm là đầu tư vào giáo dục để hướng tới đào tạo ra những con người có thể làm việc trong nền kinh tế mới đó.

Để bắt tay vào giáo dục con người 4.0 cần phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta đã lạc hậu trong việc giáo dục cho nền kinh tế truyền thống, làm thế nào để đi đầu trong việc giáo dục ra nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế 4.0?

Tôi nghĩ chúng ta cần bắt tay vào thực hiện ở cấp thấp nhất của chương trình giáo dục đó là bậc tiểu học. Các em cần được huấn luyện ngay từ khi còn bé các kĩ năng mềm (như phát triển nhân cách và đạo đức, làm việc nhóm, tương tác với xã hội, ngoại ngữ, v.v.) và các kĩ năng cứng (như chương trình STEM: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; và những kiến thức chung về văn hóa và xã hội) nhằm giúp các em có tư duy độc lập, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo; đồng thời có khả năng thích nghi tốt để trở thành công dân toàn cầu.

Đúng là nền giáo dục của chúng ta đang đi chậm so với các nước khác. Nhưng chúng ta có một may mắn đó là người dân rất quan tâm đến giáo dục và hiện nay việc sử dụng kết nối Internet di động và băng thông rộng là rất phổ biến. Vì vậy chúng ta có thể thiết kế các nền tảng để cung cấp các chương trình học trực tuyến, học mọi lúc mọi nơi và miễn phí, tận dụng nội dung phong phú có sẵn của các chương trình học liệu mở của thế giới và xây dựng một xã hội tự chủ học tập và chia sẻ kiến thức để phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Đó đúng là một cuộc cải cách giáo dục lớn mà Việt Nam phải thực hiện ngay.

Lợi thế về nhân lực giá thấp không còn là lợi thế cạnh tranh nữa, Việt Nam sẽ phải làm gì? Và nguồn nhân lực này sẽ đi về đâu?

Nguồn nhân lực này cần được tập trung để đào tạo lại. Để họ có thể học được những kĩ năng mới, tiếp cận được xu thế mới và từ đó tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn trong nền kinh tế mới.

Giải pháp đào tạo lại dường như là bất khả thi khi họ xuất phát đều là những người nghèo, không được học hành, tuổi đã lớn, đã có gia đình (công nhân may...) hoặc những người làm việc chân tay ở nông thôn? Liệu trong nền kinh tế 4.0 sẽ có ngành nghề nào hấp thụ lượng lao động này không?

Tôi tin tưởng vào khả năng học hỏi của con người. Nếu có phương pháp đào tạo tốt và phù hợp, tôi nghĩ họ sẽ tiếp cận được. Thực ra khi công nghệ được sử dụng để nâng cao năng suất và giúp kinh tế phát triển thì chúng ta sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ do cảm thấy kiếm được nhiều tiền hơn. Do đó nguồn nhân lực bên sản xuất có thể chuyển qua làm các ngành dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu mới này.

Lợi thế của cách mạng CN 4.0 là sự thay đổi của phương thức sản xuất mới hay mô hình kinh doanh mới nhanh chóng ra đời, nhưng rủi ro là có thể mô hình đó sẽ ngay lập tức bị phủ định bởi một cái mới khác (tôi còn nhớ các công ty theo mô hình mua chung – mua chung, nhóm mua, cùng mua, hotdeal… làm mưa làm gió một thời nay đã không còn là mốt nữa), rủi ro này có thể được quản trị và tính toán như thế nào?

Để theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức sản xuất hay mô hình kinh doanh mới, nhà quản lý bắt buộc phải được cập nhập liên tục những xu hướng mới, từ đó họ mới có đủ tầm nhìn để điều tiết những rủi ro phát sinh và đưa ra những chính sách cởi mở để hạn chế những rủi ro đó. Vì vậy, việc lựa chọn nhà quản lý phù hợp với ngành và có khả năng học hỏi liên tục là rất cần thiết.

Như vậy, có phải những nhà quản lý đến từ Việt Nam sẽ có ít lợi thế hơn so với các đồng nghiệp của họ, bởi vì điều kiện học hỏi, tiếp thu cái mới ở Việt Nam rõ ràng không bằng ở nước ngoài?

Hiện nay đúng là nguồn nhân lực quản lý cấp cao ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng và được bổ sung bởi nguồn nhân lực đến từ các nước phương Tây hoặc nước Đông Nam Á láng giềng. Để không trở thành người đi sau, Việt Nam phải bắt tay vào việc cải cách chương trình đào tạo ngay từ bây giờ để trong 5-10 năm nữa có một thế hệ tiếp theo có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Các nước phát triển ngoài việc cập nhật các kĩ năng mới trong các chương trình học phổ thông, họ cũng cho phép xây dựng các mô hình trường học mới có tính lan tỏa nhanh hơn. Ví dụ như Pháp có trường đào tạo công nghệ thông tin Ecole 42, trường ko có giáo trình, ko có giáo viên và ko thu học phí. Các sinh viên sau khi trải qua quá trình sàn lọc để được nhận vào học, họ sẽ chủ yếu là tự học và học lẫn nhau cho đến khi thấy đủ khả năng ở một học phần nào đó thì tự đăng ký thi, và khi thi được qua tất cả các học phần thì sẽ tốt nghiệp.

Diễn đàn kinh tế số Việt Nam (VDEF 2018) ngày 17.1 tại TP.HCM sẽ là nơi các chuyên gia chia sẻ về cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế số hóa.
Diễn đàn kinh tế số Việt Nam (VDEF 2018) ngày 17.1 tại TP.HCM sẽ là nơi các chuyên gia chia sẻ về cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế số hóa.

Để cập nhật những xu hướng mới, những kiến thức về nền kinh tế số hóa, cuộc cách mạng 4.0, startup và kinh nghiệm của các quốc gia trong việc số hóa nền kinh tế sẽ được các chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam, các nhà quản lý có thể tham gia Diễn đàn kinh tế số Việt Nam (Vietnam Digital Economic Forum – VDEF 2018) được tổ chức vào ngày 17/1/2018 tại Khách sạn Rex, TP.HCM. VDEF 2018 được tổ chức bởi AVSE Global, mạng lưới kết nối và chia sẻ tri thức uy tín của người Việt và người nước ngoài trên toàn thế giới vì sự tiến bộ của Việt Nam. Chi tiết sự kiện và đăng ký tham dự tại http://www.vdef.a-vse.org/.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên