MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến chống chuyển giá: Doanh nghiệp lớn là “bất khả xâm phạm”?

Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, các doanh nghiệp đa quốc gia có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ giành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó.

Hơn 20 năm đầu tư liên tục báo lỗ

Về câu chuyện chuyển giá tại Việt Nam, Ths. Nguyễn Anh Tuấn - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Chuyên ngành VI cho rằng, chủ trương mở cửa hội nhập khuyến khích, thu hút vốn đầu tư trong những năm qua lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam ngày càng tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI nói chung đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm.

Tuy nhiên, đại diện KTNN cho rằng, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.

"Với việc báo cáo lỗ như vậy, đa phần các doanh nghiệp này không phải đóng thuế, bên cạnh đó lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho doanh nghiệp FDI để đề nghị hoàn thuế... Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất một khoản thu không nhỏ", ông bình luận.

Số liệu khảo sát của KTNN tại một số địa phương cho thấy, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề: gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến... Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP.HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.

"Mặc dù, thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế Việt Nam", ông Tuấn nhìn nhận.

Minh chứng cho điều này phải kể tới công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm. Đáng chú ý là dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Hay rõ nét nhất là câu chuyện liên quan đến siêu thị Metro Việt Nam được thành lập từ năm 2001 và báo lỗ liên tục dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Chỉ sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thì nghi vấn chuyển giá của tập đoàn này mới được đặt ra đối với các cơ quan chức năng. Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.

Một ví dụ kinh điển khác cũng có thể kể tới là trường hợp Công ty Hualon Corporation Việt Nam, có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Malaysia, Đài Loan - British Virgin Island chuyên sản xuất sợi và dệt vải. Suốt gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Hualon liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất liên tục. Qua thanh tra, Tổng cục Thuế đã buộc công ty phải giảm hết toàn bộ số lỗ. Kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỷ đồng.

Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn như: Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam....

Doanh nghiệp lớn là “bất khả xâm phạm”

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giám đốc chương trình đạo tạo Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

Điều này là bởi vì các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh. Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu đủ che mắt các cơ quan thuế.

"Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ giành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro... đã cho thấy điều đó", ông Tuấn nói.

Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, vị chuyên gia cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều cũng bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước.

"Trên phương diện thuế khóa, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập đoàn này cũng gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình", ông cho biết thêm.

Đáng lưu ý, vị chuyên gia còn cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, nhiều mô thức kinh doanh và giao dịch thương mại mới được sáng tạo ra, ví dụ như các ứng dụng chia sẻ Uber, Grab, công nghệ blockchain... làm cho công tác quản lý thuế ở Việt Nam trở nên rất thách thức hơn bao giờ hết.

Chẳng hạn như tình huống Cục thuế TP.HCM thực hiện truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber, yêu cầu Grab phải kê khai nộp thuế đối với việc chuyển nhượng vốn và thị phần của Uber tại Việt Nam, trả thay nợ của Uber và việc Uber B.V kiện cơ quan thuế TP.HCM ra tòa cho thấy sự không rõ ràng và phức tạp của vấn đề quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới này như thế nào.

"Sự mới mẻ đôi khi là xa lạ trong các mô thức kinh doanh mới đang ngày càng du nhập và phổ biến hơn ở Việt Nam khiến cho các cơ quan thuế cảm thấy như bị tụt lại, không nắm bắt kịp với các xu hướng này để có thể thiết kế được một cơ chế quản lý thuế hiệu quả sao cho không làm cản trở quyền tự do kinh doanh và sự sáng tạo", ông Tuấn nhìn nhận.

Theo Lâm An

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên