MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc điện thoại lúc 3h sáng làm chấn động Thủ đô Đan Mạch: Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách

15-04-2018 - 11:36 AM | Sống

Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách. Ngược lại, nếu bạn muốn từ bỏ một điều gì đó, bạn sẽ tìm ra rất nhiều lý do để thuyết phục mình.

Một câu chuyện đang được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi trong những ngày gần đây. Câu chuyện xảy ra ở một đất nước rất xa, ở một thời điểm cũng rất xa hiện tại. Câu chuyện về tính kiên trì và nỗ lực của người lính cứu hỏa.

Chuyện kể rằng, khoảng 3h sáng ngày 13/11/1953, tổng đài của đội Phòng cháy chữa cháy thủ đô Copenhagen, Đan Mạch nhận được một cuộc điện thoại. Người lính cứu hỏa 22 tuổi tên là Erich đã tiếp nhận cuộc gọi: "Vâng, đây là đội phòng cháy chữa cháy". Đầu dây bên kia không có ai trả lời nhưng Erich nghe thấy tiếng thở dốc nặng nề.

Không lâu sau đó, một giọng nói gấp gáp vang lên: "Cứu với, cứu tôi với… Tôi không đứng dậy được, tôi đang bị chảy máu".

"Đừng hoảng hốt, thưa bà", Erich đáp lại, "Bà đang ở đâu, chúng tôi sẽ lập tức tới ngay?".

"Tôi không biết nữa".

"Có phải bà đang ở nhà không?"

"Vâng, tôi nghĩ là tôi đang ở nhà".

"Nhà bà ở đâu, đường nào vậy ạ?"

"Tôi không biết, đầu tôi choáng quá, tôi đang bị chảy máu".

"Bà ít nhất cần nói cho tôi biết tên bà là gì?".

"Tôi không nhớ, tôi nghĩ là tôi bị đập vào đầu".

"Xin đừng gác máy". Erich vừa nói vừa nhấc chiếc điện thoại khác để gọi đến công ty, một người đàn ông lớn tuổi nghe máy.

"Xin hãy giúp tôi tìm ra người đang sử dụng số điện thoại này, bà ấy đang gọi đến  đội phòng cháy chữa cháy".

"Không, tôi không thể, tôi chỉ là bảo vệ gác đêm thôi, tôi không biết những việc này. Hơn nữa hôm nay là thứ bảy nên cũng không có ai ở đây cả".

Erich cúp máy và nghĩ ra một ý tưởng khác, anh hỏi người phụ nữ: "Làm cách nào mà bà có số điện thoại của đội phòng cháy chữa cháy ạ?".

Người phụ nữ trả lời yếu ớt: "Số này đã được lưu trên điện thoại, lúc bị ngã tôi kéo điện thoại và nó đã gọi đến".

Erich nói tiếp: "Vậy bà nhìn xem trên điện thoại có số điện thoại của nhà bà hay không?"

"Không có, không có dãy số nào khác, xin các anh hãy đến đây nhanh lên!" - Giọng người phụ nữ càng lúc càng yếu đi.

Erich vội vàng hỏi: "Xin bà hãy nói cho tôi biết bà có thể nhìn thấy vật gì?"

"Tôi… tôi nhìn thấy cửa sổ. Ngoài cửa sổ có đèn đường". Lúc này, Erich đã có một chút manh mối: Nhà của người phụ nữ hướng ra đường cái, hơn nữa chắc chắn ở lầu không cao, vì có thể nhìn thấy đèn đường.

"Cửa sổ như thế nào, có phải hình vuông không ạ?"

"Không, là hình chữ nhật".

Căn cứ và hình dạng cửa sổ, Erich đoán người phụ nữ có thể đang sống ở một khu nhà cổ.

"Đèn nhà bà có bật không?" – Đây là câu hỏi cuối cùng của người lính cứu hỏa Erich.

"Vâng, có bật". 

Erich muốn hỏi thêm nhiều manh mối hơn nữa nhưng đầu bên kia đã không còn trả lời, điện thoại chưa bị cúp.

Erich biết rằng phải lập tức hành động. Nhưng chỉ dựa vào những manh mối đó, anh có thể làm gì đây? Anh gọi cho đội trưởng, trình bày lại vụ việc.

Vị đội trưởng nghe xong liền nói: "Không có cách nào cả, không thể tìm được người phụ nữ này…".

Erich nghe vậy nhưng vẫn không muốn bỏ cuộc. Nhiệm vụ hàng đầu của người lính cứu hỏa là "Cứu người", anh đã được dạy như thế.

Vào thời điểm này, Erich đã đưa ra một ý tưởng táo báo và không do dự bày tỏ suy nghĩ của mình. Đội trưởng nghe xong giật mình kinh ngạc: "Cậu làm như vậy thì dân chúng lại nghĩ là đang nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đấy".

"Tôi khẩn cầu ngài", Erich nói, "Chúng ta phải mau chóng hành động, nếu bỏ qua cơ hội này, thì hết thảy đều phí công vô ích".

Đầu dây bên kia im lặng một lúc, sau đó đội trưởng nói: "Được, chúng ta hãy làm như vậy, tôi chạy qua ngay".

10 phút sau, 20 chiếc xe cứu hỏa hú còi báo động inh ỏi trong thành phố, mỗi xe một khu vực, chạy khắp các nẻo đường.

Tiếp theo, Erich cẩn thận lắng nghe đầu dây bên phía người phụ nữ, anh vẫn nghe thấy tiếng thở dốc của bà.

Sau đó, vị đội trưởng hỏi anh đã nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa chưa? "Tôi đã nghe thấy", Erich trả lời.

Vị đội trưởng ra lệnh: "Xe số 2, tắt còi báo động". Lần này Erich trả lời: "Tôi vẫn còn nghe thấy tiếng còi xe".

Cho đến chiếc xe thứ 12, Erich hô lên: "Tôi không nghe thấy nữa rồi".

"Xe số 12, mở còi báo động". 

"Tôi đã nghe thấy tiếng còi xe, nhưng càng chạy càng xa". 

"Xe số 12, quay đầu lại" – đội trưởng ra lệnh.

Ngay sau đó, Erich reo lên: "Đang tới gần rồi, âm thanh nghe ngày càng chói tai, chắc hẳn sắp tới con đường phía nhà người phụ nữ rồi".

Vị đội trưởng hỏi: "Xe số 12, các bạn có nhìn thấy một cột đèn đường không?"

"Có hơn trăm đèn đường, mọi người đang ngó ra cửa sổ xem xảy ra chuyện gì".

"Hãy dùng loa", vị đội trưởng ra lệnh.

Erich nghe thấy tiếng loa: "Thưa quý ông quý bà, chúng tôi đang tìm kiếm một người phụ nữ đang trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi chỉ biết bà ấy đang ở trong một căn nhà có đèn sáng, vậy nên mong các vị hãy tắt đèn nhà mình đi". Sau khi nghe hiệu lệnh, người dân lập tức tắt hết đèn.

Chỉ trong chốc lát, tất cả căn nhà đều tối, chỉ trừ một cửa sổ…

Cuộc điện thoại lúc 3h sáng làm chấn động Thủ đô Đan Mạch: Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách - Ảnh 1.

Không lâu sau đó, Erich nghe thấy tiếng nhân viên cứu hỏa đi vào trong phòng, một người nói qua bộ đàm: "Người phụ nữ này đã mất ý thức, nhưng mạch vẫn đập. Chúng tôi lập tức đưa bà ấy đến bệnh viện, tôi tin rằng sẽ cứu được bà ấy".

Helen Thornda – đây là tên của người phụ nữ đã được cứu sống. Bà tỉnh lại và hồi phục trí nhớ của mình vài tuần sau đó.

Sự kiên trì nỗ lực của người lính cứu hỏa trẻ tuổi Erich đã cứu sống được một sinh mạng. "Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách. Ngược lại, nếu bạn muốn từ bỏ một điều gì đó, bạn sẽ tìm ra rất nhiều lý do để thuyết phục mình. Làm hay không là do bạn lựa chọn!".

Cuộc điện thoại lúc 3h sáng làm chấn động Thủ đô Đan Mạch: Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách - Ảnh 2.

Calvin Coolidge (Tổng thống Hoa Kỳ thứ 30) cho rằng "Không gì trên thế giới có thể thay thế cho sự kiên trì. Tài năng không thể, rất nhiều người có tài năng nhưng lại không thành công đấy thôi. Thiên tài không thể, vì thiên tài mà không được công nhận thì cũng chỉ là truyền thuyết. Giáo dục cũng không, khi mà thế giới này có quá nhiều người có học bị bỏ quên. Chỉ có lòng kiên trì và sự quyết tâm là có quyền lực tuyệt đối".

Những câu chuyện như thế này cũng không chỉ xuất hiện ở nước ngoài, ở trong sách vở, trong phim… mà đời thường ta vẫn thường xuyên bắt gặp. Hình ảnh anh lính cứu hỏa trong vụ cháy chung cư Carina vừa qua cũng làm bao người xúc động. "Từ hướng dưới hầm, một anh chiến sỹ PCCC ôm bàn tay chạy lên, chân trần, người ướt sũng. Tay anh bỏng nặng, da gần như bị lột hoàn toàn".

Nhưng anh vẫn ngồi đó, tiếp tục nhìn về phía tòa nhà đang cháy, mọi người hướng hết sự tập trung vào tòa nhà. Một người dân – người chia sẻ câu chuyện này – tiến lại nói "Anh không ngồi thế này được, phải đi cấp cứu ngay". Anh lắc đầu, đứng lên đi qua đi lại, vẫy vẫy bàn tay bị bỏng nặng có lẽ để cho bớt đau nhưng mắt vẫn hướng về phía các đồng nghiệp mình đang xử lý vụ cháy…

Cuộc điện thoại lúc 3h sáng làm chấn động Thủ đô Đan Mạch: Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách - Ảnh 3.

Napoleon Hill - một tác giả nổi tiếng người Mỹ - một trong những người sáng lập nên một thể loại văn học hiện đại đó là môn "thành công học" chỉ ra rằng, lòng kiên trì dựa trên những động cơ cơ bản sau:

1. Mục đích rõ ràng: Biết mình muốn gì là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phát triển lòng kiên trì. Một động cơ mạnh mẽ luôn giúp ta vượt qua được nhiều ghềnh thác. Thông thường khi được làm việc mình lựa chọn có phương hướng, đường đi rõ ràng sẽ khiến con người tự tin vào quyết định của mình khi phải đối mặt với thử thách

2. Khát vọng: Lòng kiên trì có thể đạt được và duy trì khá dễ dàng nếu bạn theo đuổi một mục đích mà bạn khao khát mãnh liệt. Trong cuốn sách The Art of the Deal, ông Donald Trump từng viết: "Tôi không thực hiện thương lượng vì tiền. Bởi tôi không những đã có đủ tiền mà còn có nhiều hơn mức tôi cần. Tôi thực hiện thương lượng vì lòng yêu thích". 

Tất nhiên khi theo đuổi khát vọng lớn và làm tốt công việc, bạn sẽ được trả công xứng đáng. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân mình bạn đang khát vọng nhất điều gì và đi theo tiếng gọi của nó.

3. Sự tự lực: Có một sự thật hiển nhiên là thành công của người này không thể trao tặng hay truyền lại cho người khác, đây là tài sản đặc biệt của mỗi người. Bạn không thể nhìn vào thành công của người khác và ao ước mình cũng được như thế mà không cần tự nỗ lực thực hiện. Do vậy, điều cần nhất là phải tin vào khả năng của bản thân để có thể khuyến khích bạn theo đuổi kế hoạch nào đó với lòng kiên trì.

4. Có kế hoạch rõ ràng: Khi bạn xác định được mục tiêu rõ ràng, có khát vọng và sự nỗ lực thì một kế hoạch rõ ràng là đường đi tiếp theo hướng bạn tới thành công. Những kế hoạch được tổ chức, dù lỏng lẻo và hoàn toàn không thực tế, cũng khuyến khích được lòng kiên trì.

5. Có hiểu biết đúng đắn: Biết được rằng những kế hoạch của mình là đúng đắn dựa trên kinh nghiệm và sự quan sát cũng khuyến khích lòng kiên trì, "suy đoán" thay cho "hiểu biết" sẽ tiêu diệt sự kiên trì. Điều này cũng giống như đi việc bạn đi tới đích nhờ có bản đồ định hướng sẽ tốt hơn là phỏng đoán hướng đi.

6. Sức mạnh ý chí: Thói quen tập trung suy nghĩ vào xây dựng kế hoạch để đạt được một mục đích rõ ràng cũng dẫn đến lòng kiên trì.

7. Thói quen: "Động lực là thứ giúp bạn bắt đầu. Thói quen là thứ giữ cho bạn tiếp tục bước tới" - Jim Ryun từng phát biểu. Lòng kiên trì là kết quả trực tiếp của thói quen. Vì vậy hãy rèn luyện những thói quen tốt từng bước một. Những thói quen tốt như tư duy tích cực, kiên nhẫn hay kỷ luật sẽ khiến bạn trở nên kiên trì đi tới đích phía trước thay vì dễ dàng bỏ cuộc như những người làm ngẫu hứng.

Lan Trần

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên