MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời buồn của những truyền nhân Thiếu Lâm Tự cuối cùng còn sót lại: Đỉnh cao võ thuật nay chỉ còn là cái bóng vật vờ của chính mình

16-11-2019 - 23:03 PM | Sống

Là những người cuối cùng lưu giữ tinh hoa võ thuật cổ truyền Trung Quốc, thế nhưng các vị võ sư phái Thiếu Lâm này lại đang sống một cuộc đời ẩn dật và nghèo khổ ở vùng núi hẻo lánh.

Nhắc đến Thiếu Lâm Tự, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những nhà sư sống ẩn dật trên núi, sở hữu võ thuật tuyệt đỉnh với những pha nhào lộn đẳng cấp, cắm kiếm vào cổ mà không hề bị thương. Tuy nhiên, đó chỉ là hình ảnh mà các nhà làm phim vẫn thường vẽ ra.

Khi đến huyện Đăng Phong, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc - quê hương của môn võ Thiếu Lâm nổi tiếng từ cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh, bạn sẽ thấy một khung cảnh hoàn toàn khác. 

Từ trước tới nay, võ thuật Thiếu Lâm vẫn luôn bị hiểu nhầm. Các chương trình TV luôn giới thiệu rằng, một nhà sư Ấn Độ tên là Bodhidharma đã đến đây và truyền dạy các bài tập yoga có tác dụng giảm đau. Lấy cảm hứng từ điều này, các nhà sư Trung Quốc đã tạo ra môn võ thuật mô phỏng chuyển động của loài vật. 

Tuy nhiên, sự thật lại đơn giản hơn rất nhất. Thiếu Lâm Tự nằm trên một ngọn núi không xa cố đô Lạc Dương. Chiến tranh, trộm cắp, bạo loạn đã tàn phá nơi này trong một thời gian dài. Để tự bảo vệ mình, Thiếu Lâm Tự đã phát triển một lực lượng dân quân địa phương, học hỏi nhiều loại võ thuật khác nhau có nguồn gốc lân cận. Dần dần, ngôi chùa này trở thành nơi trao đổi ý tưởng và phát triển võ thuật cho đến tận ngày nay.

Cuộc đời buồn của những truyền nhân Thiếu Lâm Tự cuối cùng còn sót lại: Đỉnh cao võ thuật nay chỉ còn là cái bóng vật vờ của chính mình - Ảnh 1.

Các võ sinh Thiếu Lâm đang luyện tập tại Đăng Phong. (Ảnh: Will Wain-Williams)

Nằm tại một ngôi làng nhỏ giữa Thiếu Lâm Tự và thị trấn Đằng Phong là trường võ thuật của Hồ Chính Sinh. Tại đây, võ sư Hồ dạy các học trò về Tâm Ý Bả - một bài tập bí truyền của phái Thiếu Lâm. Chỉ cần thực hiện một vài đường cơ bản, người tập có thể điều hòa và kết nối cơ thể với tâm trí.

Ông Hồ là một trong vài võ sư còn giữ liên lạc với các vị lão sư trong làng. Với dáng vẻ cao, gầy, hiền lành, ông trông không giống như một võ sư Thiếu Lâm điển hình. Theo Hồ Chính Sinh, một trong những người am hiểu nhất về võ thuật Thiếu Lâm là lão sư 90 tuổi họ Mao.

Giống như nhiều ngôi nhà khác tại huyện Đăng Phong, nơi ở của sư phụ Mao cũng khá cũ kỹ và ẩm ướt. Xuất hiện trong trang phục võ sư, ông kể lại cơ duyên đưa mình tới môn võ đỉnh cao này.

Năm 1930, cha mẹ của võ sư Mao bán ông cho Thiếu Lâm Tự nhằm đổi lấy ngô để ăn. Ông được các nhà sư nuôi nấng và dạy dỗ để trở thành võ tăng. Khi trưởng thành, võ sư Mao xuất gia và lập gia đình, nhưng vẫn theo đuổi đam mê võ thuật. Mãi tới sau này, ông mới quyết định dạy võ.

Cuộc đời buồn của những truyền nhân Thiếu Lâm Tự cuối cùng còn sót lại: Đỉnh cao võ thuật nay chỉ còn là cái bóng vật vờ của chính mình - Ảnh 2.

Dù đã 90 tuổi nhưng võ sư họ Mao vẫn vui vẻ tiếp khách nước ngoài. (Ảnh: Will Wain-Williams)

Cách Thiếu Lâm Tự khoảng 1 km là ngôi làng nhỏ có tên Tây Quả Điếm. Tại đây có trường dạy võ thuật của võ sư Thôi Trung Vũ. Năm 1982, khi Thiếu Lâm Tự mở cửa trở lại nhờ thành công của bộ phim cùng tên có sự góp mặt của diễn viên Lý Liên Kiệt. Cha của Thôi Trung Vũ, ông Thôi Tây Kỳ -  một trong những người am hiểu võ thuật Thiếu Lâm còn sót lại - đã được mời tới đây để dạy võ thuật.

Giờ đây, những tấm áp phích quảng cáo in hình Thôi Tây Kỳ cũng đã mờ dần theo thời gian. Chúng cũ tới mức trông như thể ai đó đã cố xé đi nhưng giữa chừng lại bỏ cuộc. Võ sư Thôi Trung Vũ - cho, biết mình chỉ còn 2 đồ đệ duy nhất. Ông bảo, thời buổi bây giờ càng ngày càng khó khăn.

Dù vậy, kiến thức của vị võ sư này không hề phai nhạt theo thời gian. Nhắc đến võ thuật là ông như sống lại những tháng ngày huy hoàng, bàn từ chủ đề này sang chủ đề khác, giới thiệu đủ loại kỹ thuật chiến đấu, giải thích hàng loạt tên chiêu thức được lấy cảm hứng từ thần thoại hoặc nghệ thuật.

Một trong những thế võ sư Thôi lĩnh hội được có tên là Thất Tinh - cách người Trung Quốc vẫn hay gọi chòm sao Bắc Đẩu. Ông đứng theo hình dáng của chòm sao này, chùng gối, hạ thấp trọng tâm, rồi dùng hai nắm đấm tấn công vào sườn đối thủ. Vị võ sư này giải thích, khi 7 điểm trên cơ thể - bàn chân, đầu gối, hông, vai, khuỷu tay, nắm tay và đầu - thẳng hàng sẽ tạo ra lực để tấn công đối phương.

Cuộc đời buồn của những truyền nhân Thiếu Lâm Tự cuối cùng còn sót lại: Đỉnh cao võ thuật nay chỉ còn là cái bóng vật vờ của chính mình - Ảnh 3.

Thôi Trung Vũ đang hướng dẫn các thế võ Thiếu Lâm. (Ảnh: Will Wain-Williams)

Thế tiếp theo là “Vân Cái Đỉnh”, có nghĩa là “mây che đỉnh núi”. Ở đây, đỉnh chính là đầu, còn mây là bàn tay. Để minh họa cho động tác này, võ sư Thôi dùng tay để bảo vệ đầu rồi xáp lại gần khi đối thủ đang tấn công mình.

Theo võ sư Thôi, chỉ cần có hiểu biết cơ bản về võ thuật và tinh thần học hỏi nhanh, võ sinh có thể học được rất nhiều thứ, từ cách duy chuyển, kỹ thuật, tình huống áp dụng - tất cả chỉ trong một thời gian ngắn.

Còn rất nhiều võ sư khác đang sinh sống rải rác tại các ngôi làng thuộc thị trấn Đăng Phong. Dù cùng theo một môn phái võ thuật, họ đều có những cách tiếp cận độc đáo của riêng mình. 

Từ Vũ Đạo là vị sư phụ duy nhất còn sống của võ sư Hồ. Ông sống trong một ngôi làng cách Đăng Phong khoảng 1 tiếng di chuyển. Ở tuổi 90, vị sư phụ họ Từ này đã không đủ sức khỏe để thi triển võ thuật, mà chỉ có thể ngồi một chỗ.

Cuộc đời buồn của những truyền nhân Thiếu Lâm Tự cuối cùng còn sót lại: Đỉnh cao võ thuật nay chỉ còn là cái bóng vật vờ của chính mình - Ảnh 4.

Bậc thầy võ thuật Từ Vũ Đạo bên ngôi nhà của mình. (Ảnh: Will Wain-Williams)

Ông Từ vẫn nhớ như in những tháng ngày tuổi trẻ của mình, cùng các vị võ sư nổi tiếng trong quá khứ. Ngồi trong sân - nơi những thanh kiếm, ngọn giáo tự chế được đặt gọn ở một góc, ông giải thích về những khoảng sân trong Thiếu Lâm Tự được dùng để làm nơi dạy võ. Có tất cả 4 khoảng sân như vậy, tượng trưng cho 4 góc của đất trời. Tuy nhiên, chỉ khoảng sân phía nam và phía đông là còn nguyên vẹn cho tới tận bây giờ.

Chẳng kiếm được mấy đồng từ nghề dạy võ, tất cả những gì mà các vị võ sư này có được là thời gian và kho tàng kiến thức võ thuật rộng lớn. Ông Hồ cho biết, họ không biết truyền lại công phu võ thuật của mình cho ai, khi mà thế hệ trẻ chẳng còn thiết tha ở lại những ngôi làng nghèo khổ này. Trong khi đó, chính quyền chỉ hỗ trợ cho các học viện lớn chuyên giảng dạy võ thuật hiện đại. Vì thế, võ thuật cổ truyền cứ thế mai một dần khi những vị lão sư cuối cùng xa rời thế gian.

Mặc dù vậy, võ sư Hồ vẫn hy vọng, ngôi trường của mình sẽ được biết tới rộng rãi hơn để có thể truyền thụ lại tinh hoa võ thuật Thiếu Lâm một thời cho thế hệ võ sinh tương lai.

Linh Hân

SCMP

Trở lên trên