MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời tỷ phú Internet Trung Quốc “mất tích” bí ẩn

16-08-2017 - 14:23 PM | Tài chính quốc tế

Mười năm trước, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc phông phải Alibaba hay Tencent mà là Shanda Interactive Entertainment, một doanh nghiệp chuyên về game. Nhà sáng lập của nó là chàng trai trẻ Chen Tianqiao, người trở thành tỷ phú ở tuổi 30.

Tỷ phú tái xuất sau 1 thập kỷ biến mất

Một thập kỷ trước, Chen nổi tiếng hơn Jack Ma rất nhiều. Tuy nhiên, anh đột ngột biến mất. Chàng trai trẻ rời Trung Quốc và gần như không xuất hiện trước công chúng trong một thời gian rất dài. Cùng với sự ra đi của Chen, đế chế Shanda mà anh gây dựng cũng nhanh chóng bị những tên tuổi khác vượt qua.

Cuối cùng, Chen cũng sẵn sàng xuất hiện trở lại. Ở tuổi 44, tỷ phú này đang sống tại Singapore và lên kế hoạch cho những dự án tiếp theo. Nói về câu chuyện 10 năm trước, Chen lần đầu hé lộ lý do khiến anh từ bỏ thành tựu to lớn mà mình đạt được cũng như để vị trí công ty Internet số 1 Trung Quốc vào tay Alibaba và Tencent.

Mọi việc bắt đầu khi Chen ngoài 30 tuổi. Những căng thẳng trong công việc bởi vô số đối thủ cạnh tranh hay những quy định ngày càng khắt khe của chính phủ đối với các nhà phát triển trò chơi điện tử khiến Chen cảm thấy mệt mỏi và suy sụp. Cuối cùng, tỷ phú trẻ quyết định ra đi để cứu lấy chính mình.

“Mỗi khi nhìn mặt trời lặn, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ thức dậy nữa”, Chen chia sẻ về giai đoạn khó khăn của cuộc đời mà anh từng trải qua. Tuy nhiên, trải nghiệm tồi tệ ấy lại đưa Chen tới một con đường mà bản thân anh chưa bao giờ nghĩ tới. Những dằn vặt trong tâm trí cùng niềm tin mạnh mẽ vào Phật giáo khiến Chen quyết định đầu tư nghiên cứu bộ não con người, lĩnh vực khác xa so với ánh hào quang trong quá khứ.

Chen đã chi 1 tỷ USD trong số tài sản cá nhân 2,4 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu này. Nó bao gồm 115 triệu USD mà Chen và vợ trao cho Học viện Công nghệ California để thành lập Viện nghiên cứu Thần kinh Tianqiao and Chrissy Chen. Phần còn lại được dùng để tài trợ cho các nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi ở khắp nước Mỹ.

Nỗi đau sau ánh hào quang

Chen sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc năm 1973. Anh tốt nghiệp Đại học Fudan với bằng cử nhân kinh tế và kết hôn với vợ khi hai người làm chung trong một công ty chứng khoán. Shanda ra đời năm 1999 và nhanh chóng thành công trong thị trường Internet bùng nổ tại Trung Quốc. Chào sàn NASDAQ tháng 5/2004, Shanda đã gọi vốn được 152 triệu USD và tiếp tục gặt hái thành công dù không tránh được những thăng trầm với một công ty đại chúng.

Tuy nhiên, thành công cũng có những áp lực của nó. Năm 2004, Chen cảm thấy đau ngực dữ dội khi đang trên máy bay từ Thượng Hải đến Bắc Kinh. Vội vã nhập viện kiểm tra vì sợ mình bị đau tim nhưng các bác sĩ không phát hiện vấn đề gì với hệ tuần hoàn của anh. Kết luận cuối cùng cho thấy cơn đau bắt nguồn từ sự hoảng loạn của Chen.


Chen Tianqiao trong văn phòng tại Singapore.

Chen Tianqiao trong văn phòng tại Singapore.

Ngồi một mình trên chiếc ghế băng ở thủ đô Trung Quốc, Chen đã nghĩ anh sẽ không thể đi làm trở lại. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thuốc, chàng trai trẻ nhanh chóng trở lại làm việc. Cơn đau khủng khiếp không làm giảm tham vọng của Chen. Chàng trai trẻ muốn hợp tác với các tập đoàn nước ngoài để mở rộng kinh doanh, bao gồm cả lĩnh vực giải trí và truyền hình.

Tuy nhiên, kế hoạch của Chen không được nhà chức trách Trung Quốc ủng hộ. Dự án của Chen mất phương hướng và cho tới hôm nay, 10 năm sau khi biến mất, Chen vẫn không biết vì sao mình thất bại. Dấu chấm hết cho sự nghiệp của Chen xuất hiện năm 2009 khi cơn đau khinh hoàng trở lại và tệ hại hơn lần trước.

Toàn thân Chen run rẩy tới mức anh không thể đứng vững. “Khi bạn nằm xuống, bạn không thể ngồi dậy hay khi bạn ngồi, bạn không thể đứng lên. Cơn đau đáng sợ tới mức bạn thấy mình không thể thở được”, Chen nhớ lại.

Ban đầu, Chen quyết định tới Singapore để nghỉ ngơi. Khi nhìn thấy cách Tencent, Alibaba và Baidu lấp chỗ trống mà công ty của mình để lại, Chen đã quyết định không ngồi yên. Tuy nhiên, vợ đã làm Chen thay đổi quyết định chỉ với một câu nói: “Nhiều người mất cả đời để chinh phục một ngọn núi. Có thể anh sẽ muốn trèo lên những ngọn núi khác”.

Là người tôn thờ đức Phật, Chen đã quyết định thay đổi cuộc đời mình để vượt qua những đau đớn. Gia đình anh định cư tại Singapore và bắt đầu rút khỏi các hoạt động kinh doanh. Năm 2011, Chen bán số cổ phần và từ chức khỏi vị trí lãnh đạo Shanda. Cơn lốc smartphone cuốn theo mọi dự định của Chen với Shanda, khiến nó đánh mất vị trí số 1 Trung Quốc.

Khi dừng bước với Shanda, Chen dành nhiều năm tính toán con đường mình sẽ đi. Cuối cùng, vợ chồng tỷ phú trẻ nhận thấy tiềm năng kinh doanh to lớn từ việc giải mã bộ não con người. Bên cạnh đó, Shanda Group, công ty đầu tư của Chen có trụ sở tại Singapore, cũng đang đầu tư vào hơn 100 dự án công nghệ tiến tiến ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Dù không còn giữ được vị trí số 1 nhưng rất nhiều nhân tài của Shanda tiếp tục thành công ở Trung Quốc. Một trong số đó là Daniel Zhang, cựu giám đốc tài chính của Shanda. Ông hiện đang là CEO của Alibaba. Các cựu nhân viên Shanda cũng thường tụ họp mỗi năm một lần nhưng Chen chưa bao giờ có mặt. Năm nay, ông khiến 1.700 người kinh ngạc khi gửi một video dài 10 phút tới họ. Rất nhiều người tỏ ra phấn khích khi gặp lại ông chủ cũ mà họ đã 10 năm không còn thấy.

Trở lại với cuộc sống hiện tại, Chen cho biết ông chỉ hơi chút nuối tiếc vì những gì đã qua và chức mừng Alibaba và Tencent vì họ đã làm rất tốt. Quá khứ đã được Chen để lại phía sau nhưng tương lai vẫn là sự phấn đấu của người từng trở thành tỷ phú USD ở tuổi 30.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên