MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến các quốc gia châu Á lún sâu hơn vào vũng lầy nợ nần của Sáng kiến Vành đai, Con đường

21-08-2018 - 21:30 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ làm những khó khăn tài chính mà các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang phải đối mặt căng thẳng hơn, con nợ lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Việc đồng lira rớt giá mạnh buộc các quốc gia châu Á này phải cân nhắc về việc tăng lãi suất để ổn định đồng nội tệ. Các khoản vay từ Trung Quốc giúp họ chi trả cho những dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng mà họ rất cần để thúc đẩy tăng trường kinh tế. Tuy vậy, phí tổn trả nợ quá cao sẽ làm suy yếu sự ổn định tài chính.

Trung tâm Phát triển Toàn cầu Mỹ cho biết, các quốc gia Lào, quần đảo Maldives, Mông Cổ, Pakistan và 4 quốc gia khác tham gia vào BRI đường đang phải đối mặt với những rủi ro này.

Tại Mông Cổ, các khoản nợ nước ngoài hiện đã cao gấp 8 lần dự trữ ngoại hối của nước này. Nợ nước ngoài của Lào và Kyrgyzstan đã vượt quá 100% GDP.

Các quốc gia có tỷ lệ nợ cao hơn sẽ càng dễ bị tổn thương nếu đồng nội tệ rớt giá đột ngột. Nếu đồng nội tệ của các quốc gia này giảm thì sẽ rất khó để trả hết nợ, số nợ thường được tính bằng USD.

Sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ tài chính toàn cầu (global financier) đang dần khiến IMF bị lu mờ.

IMF từ lâu đã đóng vai trò là nhà cho vay cuối cùng. Quỹ này cũng đã góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Mexico năm 1994-1995 và tại châu Á năm 1997, cả hai đều bị "châm ngòi" bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ.

Thế nhưng, không có quốc gia nào hài lòng khi nhận sự hỗ trợ từ IMF, khi họ phải đánh đổi với các biện pháp thắt lưng buộc bụng quá nghiêm ngặt. Việc Trung Quốc hiện đang nổi lên là một nhà cho vay thay thế cho IMF, một số quốc gia nghiễm nhiên quay lưng lại với IMF ngay cả khi hành động đó có nghĩa là họ phải đối mặt với những sự ép buộc không thể lường trước. Thổ Nhĩ Kỳ, "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, đã kiên quyết không nhận viện trợ từ IMF. Và Pakistan cũng có phản ứng tương tự.

Trước đây, Pakistan thường xuyên nhận viện trợ từ IMF. Tuy nhiên, dưới thời của chính phủ mới do Thủ tướng Imran Khan lãnh đạo, quốc gia này lại có những động thái hoàn toàn khác. Asad Umar, Bộ trường Bộ Tài chính tạm quyền, đã nói việc tìm kiếm một gói cứu trợ của IMF sẽ là "một biện pháp mang tính dự phòng sau khi chúng tôi xem xét những lựa chọn khác", chẳng hạn như các khoản cho vay tạm thời từ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 7, trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử, dự trữ ngoại tệ của Pakistan đã tăng từ 9 tỷ USD lên 10,3 tỷ USD, làm dấy lên những suy đoán rằng Trung Quốc đã "ra tay" viện trợ nước này.

Tuy nhiên, khi Pakistan phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, kỷ luật tài khoá sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ, làm tăng nguy cơ quá tải bởi nợ đã quá lớn. Nợ nước ngoài của Pakistan đã tăng lên 50% trong vòng 3 năm qua, lên đến gần 100 tỷ USD, trong đó 30% là khoản nợ của Trung Quốc. Và nếu không có kế hoạch cải cách tài chính triệt để, Pakistan sẽ thiếu hụt nguồn tài chính để lưu động trong hai năm tới, với phí tổn trả nợ được dự đoán là sẽ lên tới 50% doanh thu thuế, so với mức hiện tại là 30%.

Một chuyên gia tài chính tại IMF đã chỉ ra rằng, chính quỹ này đã giúp cho khung vay được linh hoạt hơn. Tuy vậy, đối với các thị trường mới nổi, sự hỗ trợ từ Trung Quốc có vẻ sẽ hấp dẫn hơn.

Điều này có nghĩa rằng, khi các nước đang gặp khó khăn tiếp tục "tựa" vào Trung Quốc thì những vấn đề về kết cấu của họ sẽ không được giả quyết và nợ cũng sẽ tiếp tục tăng. Sri Lanka đã phải bàn giao quyền quản lý Cảng Hambantota cho một công ty Trung Quốc. Nếu những động thái như vậy diễn ra thường xuyên thì rất có thể sẽ đe doạ đến cả an ninh quốc gia. Và hiện tại đã có những dấu hiệu về việc này.

Một tuyến đường sắt cao tốc xây dựng tại Lào theo BRI ước tính trị giá 6 tỷ USD, tương đương 40% GDP của nước này. Mặc dù Trung Quốc đang tài trợ khoảng 70% chi phí xây dựng, nhưng Lào cũng nhận những khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc và một số nhà cho vay khác nhằm chi trả cho phần lớn cổ phần. Việc trả nợ chắc chắn sẽ là một gánh nặng đối với nền kinh tế nước này.

Tại Trung Á, Turkmenistan đang "chiến đấu" với một cuộc khủng hoảng thanh khoản và kinh tế do các khoản nợ từ Trung Quốc. Gần đó, Tajikistan cũng đã phải trao quyền phát triển một mỏ vàng cho một công ty Trung Quốc để thay cho việc trả nợ.

Từ trước đến nay, IMF là "nhà cho vay cuối cùng" đối với các quốc gia gặp khó khăn về tài chính. Đổi lại, quỹ này thường yêu cầu các quốc gia phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. Còn Trung Quốc sẵn sàng đưa ra các khoản vay mà không có những yêu cầu nghiêm ngặt, thay vào đó chính là sức khoẻ của nền kinh tế cũng như tài chính về lâu về dài của quốc gia đó.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên