MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cuộc nổi loạn" của những sinh viên kinh tế

05-10-2016 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Đa số sinh viên hiện nay đều đang phàn nàn rằng họ vẫn tiếp tục được truyền bá những tư tưởng hạn hẹp và cũ kỹ, xa rời thực tế.

Đó là vào những ngày mùa đông tháng 11/2012. Một nhóm sinh viên chưa tốt nghiệp gặp nhau trong một căn phòng chật hẹp ở tầng áp mái của trường đại học Manchester. Họ ngồi lại với nhau thành một vòng bán nguyệt, cùng lắng nghe 2 thành viên sáng lập giải thích những sai lầm trong chương trình giảng dạy kinh tế của trường.

Chỉ bằng một thư điện tử được truyền đi với tiêu đề: “Kêu gọi tất cả những ai hoài nghi về kinh tế học ở ngoài kia”, Hội kinh tế học hậu khủng hoảng Manchester (PCESM) đã kêu gọi được khá nhiều sinh viên tham gia. Nội dung của bức mail xoay quanh câu hỏi: Liệu môn kinh tế học mà tất cả sinh viên kinh tế trên toàn cầu đang theo học với những mô hình trừu tượng và công thức toán học có liên quan gì đến thế giới thực mà chúng ta đang sống hay không?

Và trong hệ tư tưởng ấy, PCESM không đi một mình. Ha-Joon Chang – nhà kinh tế tiến bộ giảng dạy tại trường đại học Cambridge hồi tưởng lại, “chúng đến trước cửa văn phòng tôi và đập cửa ầm ầm nói rằng ‘thế giới đang sắp có một cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất kể từ năm 1929, tại sao các giáo sư lại dạy sinh viên như thể không có chuyện gì xảy ra’”.

Năm 2011, sinh viên tại trường đại học Cambridge đã lập ra Hội kinh tế đa nguyên Cambridge, mà theo đồng sáng lập Rafe Martyn nhận định đó thực sự là nơi làm cho thế giới tốt hơn chứ không chỉ cải thiện năng lượng thuê mướn người làm công của nhóm tư nhân. Hiện tượng này dấy lên một làn sóng thành lập các Hội kinh tế chấp nhận nhiều trường phái, quan điểm, cách giải thích, hệ tư tưởng khác nhau về cùng một vấn đề kinh tế tại nhiều trường đại học trên thế giới.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi mà ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi phố Wall sụp đổ, giới chuyên gia kinh tế lại phải đứng trước áp lực bị chỉ trích nặng nề. Họ cũng tảng lờ, thậm chí còn hoan nghênh tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng cao tại các nền kinh tế phát triển.

Trong không khí kỳ học mới bắt đầu tại các nước châu Âu, một vài trường đại học ở Anh đã cho thấy những tín hiệu tiến bộ với nhiều chương trình học cung cấp cách thức tiếp cận kinh tế với tư tưởng rộng mở hơn. Tại London, cả hai trường Goldsmiths College và University of Greenwich cũng như University College London đã và đang tiến hành giảng dạy kinh tế từ nhiều nguồn mở - bám sát với thế giới thực.

Tại Manchester, mặc dù những kiểu bài giảng mở đã được áp dụng nhưng vẫn còn quá muộn và quá hẹp so với những gì PCESM đã làm năm 2012, nhưng dù sao đó cũng là những tiến bộ đáng mừng. PCESM nay đã trở thành Rethinking Economics – một tổ chức từ thiện kết nối với hơn 40 nhóm học sinh mong muốn được thay đổi chương trình giảng dạy kinh tế tại trường đại học từ Ý đến Canada và từ Trung Quốc đến Brazil.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng giảng dạy kinh tế không chỉ giới hạn trong 4 bức tường của trường đại học. Chương trình giảng dạy sẽ hình thành nên lối tư duy của những nhà hoạch định chính sách tương lai, định hình nên xã hội mà chúng ta và con cháu hậu thế sinh sống.

Tuy nhiên, đa số sinh viên hiện nay đều đang phàn nàn rằng, họ vẫn tiếp tục được truyền bá những tư tưởng tân cổ điển, nằm giới hạn trong các mối quan hệ như: lãi suất giảm thì cho vay ngân hàng tăng; thuế giảm thì đầu tư tăng.

Thất bại rõ ràng nhất của kinh tế học chính thống là không thể giải thích hoặc dự đoán trước được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Joe Earle – một sáng lập viên PCESM cho biết, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã không được nhắc đến dù chỉ một lần trong suốt năm học đầu tiên của anh tại trường Manchester (2011). Thay vào đó, giảng viên của anh tin rằng nền kinh tế ẽ tự điều chỉnh và trở lại trạng thái cân bằng một cách tự nhiên.

Môn kinh tế mà lúc đó Earle theo học dường như chẳng liên quan gì đến các vấn đề hiện tại của thế giới – chẳng hạn như bất bình đẳng và ổn định tài chính. Câu hỏi thi cuối kỳ nhàm chán xoay quanh những công thức toán học khô khan.

Earle than phiền rằng việc sử dụng lặp đi lặp lại các mô hình công thức như vậy hình thành nên một “hệ thống đóng cửa”. “Bạn được truyền bá một tư tưởng hẹp về nền kinh tế bao gồm một hệ thống các quy luật và quy tắc mà bạn không được tham gia vào và không được đặt câu hỏi”. Hay như Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng: "Dùng kinh tế học để làm gì nếu chúng đều nói giống nhau ?". Earle cũng mong muốn đặt nền móng chính trị, triết học cũng như đạo đức vào kinh tế học bằng các cách tiếp cận khác nhau gắn với thực tiễn.

Cũng giống như khuôn khổ tân cổ điển, Earle nói, một chương trình giảng dạy kiểu mới có thể bao gồm các trường phái tư tưởng nhấn mạnh mối quan hệ giai cấp hoặc tâm lý con người; nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng các trường phái tư tưởng trong chương trình giảng dạy. Chương trình mới không buộc sinh viên lựa chọn đứng về phía nào mà khuyến khích tranh luận, học tập đối chiếu có phê phán các tư tưởng khác nhau, thay vì trở thành một con người sùng đạo.

Anh Sa

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên