MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng: Từ giấc mộng lớn đến con đường lao lý

07-08-2016 - 11:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Từng là “ông chủ” sở hữu những khối tài sản khổng lồ từ Bắc và Nam, sau khi đổ tiền tái cơ cấu một ngân hàng thua lỗ vài nghìn tỷ đồng, Phạm Công Danh giờ đây không những không thực hiện được giấc mơ làm ngân hàng mà còn sa vòng lao lý.

Ôm mộng làm ông chủ ngân hàng

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã kết thúc tuần thứ 3 làm việc (dự kiến kéo dài trong 1 tháng từ 19/7-18/8).

Đây được coi là đại án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, với con số 9.000 tỷ đồng. “Nhân vật chính” trong vụ án này là Phạm Công Danh – cựu chủ tịch VNCB.

Ông Danh sinh năm 1965, tại Quảng Ngãi, từng nổi tiếng với vai trò chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thiên Thanh - tập đoàn kinh doanh đa ngành chuyên về vật liệu xây dựng, bất động sản, du lịch… Thiên Thanh có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc tại các tỉnh thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương,... với nhiều dự án quy mô lớn.

Năm 2011, với vai trò là người đứng đầu Tập đoàn Thiên Thanh, ông Danh đã kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng nhưng chưa được chấp thuận.

Đến đầu năm 2012, trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) do vốn chủ sở hữu bị âm gần 2.855 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 6.062 tỷ đồng, tổng dư nợ từ dân khoảng 11.000 tỷ đồng..., NHNN đã cho phép nhóm cổ đông cũ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới.

Nhóm cổ đông cũ lúc bây giờ tại TrustBank (vốn điều là 3000 tỷ đồng) là nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phần là đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần.

Tuy nhiên, theo lời Danh trước tòa, Danh đến với TrustBank là thông qua Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Thời điểm đó, ông Thắm cũng muốn “mua” TrustBank nhưng NHNN không đồng ý. Hà Văn Thắm đã giới thiệu Danh tiếp cận nhóm Phú Mỹ. Tranh thủ cơ hội này, Danh đã quyết định bỏ tiền tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Tổng số tiền Danh đã trả cho nhóm cổ đông Phú Mỹ là 3658 tỷ trên tổng số 4.620 phải trả. Số tiền này, theo lời khai của Danh, không phải là tiền mua cổ phần, mà là tiền để nhận các tài sản của VNCB bao gồm: đất Nhà Bè, quận 2, Công ty cổ phiếu Đại Việt và công ty cổ phần bảo hiểm Hùng Vương… Số tài sản này lúc đó được định giá 7000 tỷ đồng.

Danh nói: “Tôi tin rằng, trong bối cảnh bất động sản khó khăn nhưng thêm thời gian thì tài sản sẽ lên giá, chứ không phải tôi trả tiền mua cổ phiếu. Tiền này tôi trả để lấy lại tài sản đó”.

Tuy nhiên, sau đó Danh mới biết, tất cả những tài sản mà Đại Tín để lại không thể lấy ra sử dụng do đang bị kiểm soát và không thể đem ra bán được như Dang kỳ vọng.

Liên tục trong những ngày thẩm vấn trước, Phạm Công Danh đều kêu rằng việc mua bán và tái cơ cấu VNCB là nguồn cơn khiến bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa.

Theo Danh, việc chấp nhận tái cơ cấu lại ngân hàng khi nó đang lỗ đến 11.000 tỷ đồng, trong đó có đến hàng chục tỷ tiền khách hàng vay là nợ xấu, khó đòi khiến Danh liên tiếp lao vào các sai phạm.

Sai lầm vì tin đề án tái cấu trúc có giá 3,2 tỷ đồng

Một “cộng sự” đắc lực giúp Phạm Công Danh trong quá trình “hô biến” 9.000 tỷ đồng tại VNCB đó là Phan Thành Mai.

Trước khi về làm tổng giám đốc VNCB, Phan Thành Mai là Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnRea). Danh tin tưởng Mai vì Mai học nước ngoài ngành quản trị tài chính. Danh đã nhờ Mai viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với chi phí 3,2 tỷ đồng.

Đề án này được Mai viết trong hơn một năm, từ năm 2012 đến tháng 5/2013 mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đề án này đã không mang lại những gì Danh và Mai mong đợi.

Theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi nhóm cổ đông mới (bản chất là của Phạm Công Danh) quản trị, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này không những không khả quan mà theo chiều hướng ngày càng xấu khi vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao và thanh khoản luôn ở mức báo động.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra (tháng 7/2012), VNCB có thực trạng tài chính là vốn chủ sỡ hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 ỷ đồng.

Nhưng đến cuối năm 2012, theo báo cáo tài chính VNCB (đã kiểm toán) thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế là 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sỡ hữu âm 5.711 tỷ đồng, đến cuối năm 2013, theo báo cáo tài chính VNCB (đã kiểm toán), kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sỡ hữu VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng.

Hậu quả đó có nguyên nhân do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh và 35 đồng phạm bị truy tố vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, để có tiền trả cho nhóm Phú Mỹ, chi trả lãi ngoài chăm sóc khách hàng, trong đó có việc trả lãi suất ngoài vượt trần quy định để vay tiền nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc công ty TNHH Tân Hiệp Phát), Danh đã chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế cũng như trong hoạt động tín dụng để rút tiền của VNCB ra thông qua các hợp đồng khống...

Trước tòa, Danh luôn tỏ ra bình thản và tin tưởng rằng mình có thể khắc phục 100% hậu quả vụ án nếu toà chấp nhận thu hồi lại khoản tiền 3.658 tỷ đồng trả cho bà Hứa Thị Phấn, cho phép rao bán khối tài sản là các bất động sản thuộc Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Trinh, TP. Đà Nẵng và kê biên nhiều tài sản có giá trị của hai vợ chồng...

Theo LINH LAN - MẠNH NGUYỄN

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên