MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Chủ tịch Sabeco: "Bán Sabeco một lần trên sàn như ông bố có con gái xinh lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng thằng nào thì lấy thằng đấy"

Bộ Công Thương đã trình chủ trương thoái vốn Sabeco nhiều lần nhưng chưa được duyệt vì lý do gì? Cựu Chủ tịch Sabeco đã có ví von thú vị về nguyên nhân.

Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hiện là Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đã có chủ trương bán hết vốn Nhà nước tại Sabeco theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng sao cho đến nay vẫn chưa thực hiện được?

Công văn xin cổ phần hóa, thoái vốn tại Sabeco cho đến nay có không dưới 10 cái. Bia Sài Gòn đang là tài sản quốc gia, giá trị hàng mấy tỷ USD, là thương hiệu lớn, nên việc bán và giữ thương hiệu, bán ra sao, bán cho ai, bán như thế nào là bài toán của Chính phủ chứ không phải Bộ Công Thương. Bộ Công Thương chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước thôi, không có quyền bán đi.

Chúng tôi đã trình rất nhiều lần, Bộ trưởng Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng-PV) đã nói nhiều, từ năm 2012. Việc bán công ty lớn này có thể là câu chuyện quan hệ ngoại giao trên lĩnh vực kinh tế, mình bán đi nhưng mua được gì sau quan hệ đó.

Gần đây trong một đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng là nên bán dứt điểm vốn Nhà nước tại Sabeco theo hình thức đấu giá một lần công khai trên sàn để nhằm gia tăng tối đa giá trị. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đề nghị của VAFI là bán một làn trên sàn là đề nghị không bao giờ Chính phủ chấp nhận. Vì giờ ta đang có tài sản quý như vậy, mà mang ra chợ trời bán thì sẽ là hậu họa. Thứ nhất, mình sẽ không biết được người mua là ai. Thứ hai ai dám đảm bảo họ không liên kết với nhau đề dìm giá, làm mất vốn Nhà nước?

Có Nhà nước nào, có ông bố nào gả con gái xinh, lại mang ra chợ và lấy số đấu giá, trúng thằng nào thì lấy thằng đấy? Không có ai đồng ý như vậy. Người ta phải biết người mua là ai, có cam kết giữ thương hiệu, phát triển công ty lên có lợi cho đất nước trong dài hạn, thì mới bán được.

Tôi cho rằng đề xuất lên sàn là vụ lợi, nếu giá nay lên mai xuống, gây nhiễu thông tin thì sẽ làm mất vốn Nhà nước.

Nhưng thực tế là lĩnh vực mà Sabeco đang kinh doanh không phải là lĩnh vực mà Nhà nước chủ trương sẽ giữ vốn, và hiện cũng đã có không ít nhà đầu tư tiềm năng nhảy vào. Liệu có vấn đề gì ở đây nếu nhìn từ chuyện của bia Hà Nội?

Tôi đã nắm được có mười mấy nhà đầu tư muốn mua Sabeco, nhưng giờ vấn đề quyết định là do Thủ tướng, Phó Thủ tướng được ủy quyền, phụ trách về đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Cần nhớ, việc bán bia Hà Nội từ hợp đồng mua bán, do mình không có kinh nghiệm nên mình đã bị "cài". Chính phủ lo ngại như thế đối với việc bán Bia Sài Gòn.

Với một nền kinh tế, sức mạnh hình thức được biểu hiện qua thương hiệu, mỗi quốc gia thông qua thương hiệu để biết, và nền kinh tế biểu hiện qua thương hiệu. Khi bán thương hiệu mạnh, mà Bia Sài Gòn là một trong 10 thương hiệu quốc gia nên Chính phủ phải tính toán, bán cho ai và người ta có giữ thương hiệu đó không? Vì khi nền kinh tế, hay đi ra nước ngoài người ta uống bia Sài Gòn của Việt Nam, thì hình ảnh đất nước lên từ đó, nên không thể nói: Cứ bán nó đi.

Cho nên, chọn nhà đầu tư nào để có ràng buộc thì Chính phủ đang tính.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên