MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đa dạng nguồn vốn đầu tư phát triển cao tốc

02-05-2016 - 08:53 AM | Bất động sản

Tạp chí GTVT - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Gần 6.400km đường bộ cao tốc

Trên quan điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước.

Mạng lưới đường bộ cao tốc gồm các trục chính có lưu lượng xe cao, liên kết với hệ thống đường bộ, kết cấu hạ tầng của các phương thức vận tải khác nhau nhằm khai thác đồng bộ, chủ động và hiệu quả các dịch vụ vận tải trong phát triển kinh tế, đồng thời có tính kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc của các nước trong khu vực để chủ động hợp tác, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368km, trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, dài 143km; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 105km; tuyến cao tốc Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) - Lào Cai dài 264km; tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (Quảng Ninh) dài 176km; tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Móng Cái (Quảng Ninh) dài 128km; tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 160km; tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km...

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 264km. Cụ thể, tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh) dài 34km; tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị) dài 70km; tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) dài 160km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983km. Cụ thể, tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200km; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu dài 225km; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 150km…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc, tuy nhiên hiện nay, ngân sách nhà nước rất khó khăn nên chỉ có cách là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc theo hình thức BOT mới có thể giải quyết được bài toán về phát triển hạ tầng.

Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn, đồng thời tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế.

Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các tuyến đường cao tốc trong quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước, định hướng phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm, "Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km.

Đa dạng các nguồn vốn đầu tư

Vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc được huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc dưới nhiều hình thức. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình…

Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các công trình kém hấp dẫn về mặt tài chính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển đường cao tốc dưới hình thức đối tác công - tư (PPP) như: BOT, BT, BTO….

Sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án và trách nhiệm đóng góp của người sử dụng, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.

Đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển đường cao tốc, đặc biệt là các công trình có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn. Trong đó, Thủ tướng cũng lưu ý cần phải tính toán kỹ, có bước đi phù hợp để phát huy hiệu quả mô hình PPP giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tài trợ ODA của các nước, các tổ chức quốc tế.

Hệ thống đường bộ cao tốc được khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, áp dụng các công nghệ tiên tiến về tổ chức quản lý - xây dựng - khai thác cũng như các thiết bị ATGT, công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và khai thác. Trên cơ sở đó, phải xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì đường cao tốc; nâng cao năng lực các viện nghiên cứu, các trung tâm thí nghiệm, thử nghiệm trong ngành GTVT.

Để quản lý chung toàn bộ mạng lưới đường cao tốc, xây dựng 3 trung tâm điều hành vùng ở các khu vực phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Các trung tâm điều hành vùng này liên kết với các nhà điều hành của các đoạn tuyến để điều hành chung, theo dõi hoạt động quản lý khai thác trên toàn bộ mạng đường cao tốc Việt Nam.

Cần thực công bằng giữa các doanh nghiệp

Về cơ chế huy động vốn hiện nay là rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kỹ các quy định về tiêu chuẩn để đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nhất là vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.

Thực ra, trong quá trình vận hành BOT, tiêu chí đưa ra đã đầy đủ, cơ chế rất thuận lợi, nhưng vấn đề lựa chọn nhà đầu tư vẫn chưa rõ ràng bởi vì quy định của Bộ Tài chính cho rằng đầu tư không được quá 3 lần vốn điều lệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân làm BOT lớn hơn các doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang cổ phần hóa.

Đối với gói Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mà Cienco1 tham gia đầu tư góp vốn giai đoạn 1 hiện nay cơ bản đảm bảo tốt. Giai đoan 2 còn đang vướng thủ tục giải phóng mặt bằng, vì dự án đi qua quá nhiều địa bàn, đơn giá đền bù giải tỏa còn nhiều khó khăn, cần có thời gian để giải quyết.

Về cơ chế chính sách, biện pháp thi công và vốn, các cơ quan quản lý nhà nước và ngân hàng đã hết sức tạo điều kiện, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Đối với dự án cầu Bạch Đằng cơ bản thuận lợi, các vướng mắc về vốn đã tìm được giải pháp, các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành phần việc được giao.

HOÀNG LONG

Theo Hoàng Long

Tạp Chí Giao Thông

Trở lên trên