MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy

01-04-2018 - 16:18 PM | Thị trường

Hơn 1 tuần sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM), người dân vẫn đổ xô tìm mua các loại thiết bị thoát hiểm khi hỏa hoạn để phòng thân

Thông tin từ các cửa hàng kinh doanh thiết bị PCCC tại TP HCM cho biết bình thường, cửa hàng rất vắng nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây khách đến nườm nượp. Những nơi này phải tăng cường nhân viên bán hàng mới đủ người tư vấn và bán hàng cho khách.

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy - Ảnh 1.

Bình chữa cháy gia đình được rất nhiều người tìm mua

Chủ yếu là hàng Trung Quốc

Cửa hàng thiết bị PCCC được người dân tìm đến nhiều nhất là phía trước trụ sở Cảnh sát PCCC TP HCM trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Ông Hồ Văn Tài, ở tận quận Thủ Đức, cho biết đến cửa hàng này cho chắc ăn, vì đây là của nhà nước không lo hàng kém chất lượng.

Khách đến các cửa hàng tìm mua những sản phẩm chống cháy trang bị cho cá nhân như nón chống khí độc, bộ đồ chống cháy, mền chống cháy. Họ hỏi khá kỹ về công dụng của từng loại, cách sử dụng. Sau khi tìm hiểu xong là quyết định mua ngay, không hề kỳ kèo giá cả.

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy - Ảnh 2.

Các loại mũ trùm chống khói độc

Các sản phẩm trang bị cá nhân như nón chống cháy, bộ dây thoát hiểm gồm ròng rọc có thanh trụ lắp đặt cố định vào tường, đai đeo vào người và cộng với cuộn dây dài 20 m có mức giá cao lên đến 8 triệu đồng/bộ (cuộn dây dài tối đa 100 m sẽ có mức giá cao hơn). Mền chống cháy 550.000 đồng/cái, dung dịch chống cháy từ 700.000 đồng/chai loại 1 lít (dung dịch này xịt lên người sẽ tạo thành lớp "keo" chống cháy). Bộ đồ chống cháy gồm cả quần áo và nón liền nhau, với giá 2,5 triệu đồng/bộ chịu được nhiệt độ đến 600 độ C, còn chọn bộ đồ chống cháy chịu được 1.000 độ C thì giá lên đến 6,5 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thang dây, mặt nạ chống khói khí độc, thiết bị hỗ trợ thở cá nhân, găng tay chống cháy, khẩu trang phòng độc…

Những loại bình xịt khí CO2, bọt có giá bán vài trăm ngàn đồng/bình (loại bình nhỏ trang bị trong gia đình) cũng được nhiều người hỏi mua. Người mua còn "đòi" người bán hướng dẫn cách sử dụng, rút chốt như thế nào, cách cầm vòi xịt.

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy - Ảnh 3.

Một sản phẩm chống cháy dùng cho gia đình

Các thiết bị như quả cầu chống cháy cũng được chú ý, vì loại này dễ lắp đặt tại những vị trí có nguy cơ cháy như ổ điện, cầu giao, bếp. Khi xuất hiện khói, nhiệt độ cao, quả cầu này tự động kích nổ phun bọt để dập tắt lửa. Chai ném tạo ra lớp phủ lên đám cháy 330.000 đồng/chai loại nhỏ, chai có dung tích lớn hơn có mức năm, sáu trăm ngàn đồng.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên cho thấy các loại thiết bị PCCC ở mỗi nơi mỗi giá khác nhau, cùng một chủng loại nhưng giá có thể chênh lệch khá nhiều. Và phần lớn các sản phẩm này đều có xuất xứ Trung Quốc do giá thấp hơn sản phẩm cùng loại của Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc. Không ít người bị mua nhầm hàng Trung Quốc với giá cao vì trên bao bì được dán nhãn có xuất xứ từ Đức, Nhật. Do đó, để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng nên tìm đến các của hàng uy tín, có chứng từ nguồn gốc rõ ràng cũng như giấy bảo hành từ nhà sản xuất.

Đội trưởng đội tuyên truyền xây dựng phòng trào toàn dân PCCC trực thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết thiết bị cá nhân dùng cho thoát hiểm khi xảy ra cháy như quần áo chống cháy, ròng rọc thoát hiểm, mặt nạ chống khí độc và khói… khi mua về để lâu năm sẽ dễ dẫn đến hư hỏng nếu không được bảo quản tốt. Chẳng hạn dây thừng, thang dây để nơi ẩm, có ánh nắng mặt trời cũng dễ làm gây mục, khi dùng sẽ bị đứt. Các loại sản phẩm trên đều có hạn sử dụng, do đó khi không sử dụng trong nhiều năm nên mang đến cơ sở kiểm định để kiểm tra.

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy - Ảnh 4.

Rất nhiều người tìm mua đồ thoát hiểm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chung cư Carina

Cũng theo bà Thuỷ, các thiết bị sử dụng dây để thoát hiểm nên chọn loại có ròng rọc, do được gắn cố định chắc chắn, có đai đeo nên độ an toàn cao. Còn các loại dây thông thường khác không phù hợp cho những người sợ độ cao, mắc bệnh tim mạch cũng như tâm lý không vững vàng. Các thiết bị thoát hiểm trên muốn sử dụng tốt nên được hướng dẫn cách sử dụng trước và thường xuyên thao tác thuần thục để khi xảy ra sự cố sẽ dễ dàng sử dụng.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP HCM, khi có cháy người dân cần phải bình tĩnh, sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa như bình chữa cháy khí CO2, bình bọt. Nếu không chữa cháy được thì nên ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Tìm các lối thoát nạn, sử dụng cầu thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy. Lần theo một bên tường, bò hoặc đi khom người, dùng khăn ướt bịt mũi miệng khi gặp khói. Nếu phải băng qua lửa phải dùng chăn, áo nhúng nước trùm lên đầu và người. Tìm các lối sang phòng khác hoặc di chuyển ra ban công, cửa sổ để cầu cứu. Trong khi chờ lực lượng PCCC nên dùng các phương tiện sẵn có như kìm cắt cửa, dây cứu người, thang dây, cầu thang sắt để thoát ra.

Đa dạng thiết bị thoát hiểm khi cháy - Ảnh 5.

Các kệ hàng được "vét" gần hết

Theo Nguyễn Hải

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên