MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Hàng loạt khu du lịch hoạt động "chui"

25-05-2017 - 17:34 PM | Bất động sản

Chiều 25-5, UBND quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, cho biết đã có báo cáo gửi UBND thành phố về việc hàng loạt khu du lịch không phép hoạt động dọc khu vực suối Lương nhiều năm qua.

Trong báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng do ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu ký và đóng dấu, UBND quận Liên Chiểu đã đề xuất hướng xử lý lên thành phố là giữ nguyên hiện trạng đối với các trường hợp đã xây dựng trái phép tại khu vực suối Lương; không được cơi nới, xây dựng mới và không được thay đổi hiện trạng tại khu vực này theo nội dung đã thống nhất vói Chi cục Kiểm lâm thành phố. UBND quận sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát , xử lý và sắp xếp lại toàn bộ hoạt động tại khu vực suối Lương.

Cách đây đúng một tháng, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 9 trường hợp xây dựng công trình kiên cố, lán trại, hồ bơi, sạp bằng bê tông và gỗ… để hoạt động kinh doanh du lịch tại suối Lương một cách tự phát và không hề được cấp phép. Chủ hộ kinh doanh ngang nhiên xây dựng hàng loạt nhà cấp bốn, nhà sàn, đổ móng trụ bằng bê tông cốt thép… có diện tích lên tới hàng trăm mét vuông. Đáng lưu ý là trường hợp của ông Phạm Hồng Tiến, ngụ phường Hòa Khánh Bắc đã thuê đất của ông Nguyễn Phú, sau đó tiến hành chặn dòng suối Lương và cho xây hồ nước, 18 sạp bê tông… để kinh doanh gây ô nhiễm nguồn nước.


Khu lịch sinh thái Hương Rừng được cho là xây dựng trái phép tại khu vực suối Lương

Khu lịch sinh thái Hương Rừng được cho là xây dựng trái phép tại khu vực suối Lương

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết mặc dù đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm nhưng hiện chính quyền phường chỉ có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng tại khu vực người dân đã tiến hành xây dựng trái phép các công trình phục vụ du lịch tại khu vực suối Lương.

Điều đáng nói là trong 9 trường hợp vi phạm đã qua kiểm tra thì 5 trường hợp xây dựng công trình với quy mô tương đối đã tồn tại từ trước năm 2014. Riêng 3 trường hợp trong 5 trường hợp trên lại có giấy đăng ký kinh doanh và đang được UBND phường Hòa Hiệp Bắc tiến hành thu thuế môn bài khoảng 200 .000 đồng/tháng.

"Đa số những trường hợp xây dựng các công trình trái phép tại suối Lương là những hộ dân địa phương không có công việc ổn đinh, nằm trong vùng giải tỏa… nên mới lên đó thuê đất rồi làm ăn. Có hộ tự khai hoang số diện tích đất khác và được Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu giao khoán đất kèm theo hợp đồng và các giấy tờ liên quan" – ông Việt nói.

Theo ông Việt, vào ngày 14-10-2014, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định giao toàn bộ hơn 1.631 ha diện tích rừng và đất rừng các loại cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc quản lý. UBND quận, UBND phường và Chi cục Kiểm lâm thành phố lúc đó đã tiến hành kiểm tra hiện trạng rừng và có biên bản bàn giao rừng vào ngày 26-4-2016, trong đó có lập danh sách 9 trường hợp xây dựng trái phéo tại khu vực suối Lương. Như vậy, kể từ khi tiếp nhận, quản lý rừng và đất rừng các loại tại khu vực chân núi Hải Vân, đến nay chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc vẫn tiếp tục giữ nguyên hiện trạng đối với các trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực suối Lương.

Về hướng xử lý các trường hợp xây dựng và hoạt động trái phép nhiều năm qua, ông Việt khẳng định chính quyền phường chưa thể tiến hành xử lý và phải chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND thành phố. Chính quyền cũng mong thành phố có chủ trương về việc quy hoạch khu vực trên để người dân có điều kiện tiếp tục được kinh doanh du lịch, không nên để người dân hoạt động tự phát như hiện nay.

Theo V. Quyên

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên