MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Đà Nẵng khởi công dự án “từ chối vốn ODA”

Sáng 31-7, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng khởi công xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 - dự án đặc biệt đã lên tiếng từ chối nguồn vốn vay ODA - với tổng số vốn đầu tư 1.070 tỉ đồng.

Dự án xây dựng Cảng Tiên Sa dự kiến hoàn thành tháng 3-2019. Diện tích xây dựng 86.674m2, tổng chiều dài cầu cảng 530m, bao gồm 3 cầu cảng chuyên dùng cho hàng container.

Sau khi đưa vào sử dụng, sẽ có 8 cầu cảng, trong đó có 7 cầu cảng chuyên phục vụ tàu chở hàng hóa tổng hợp và tàu container nâng năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng đạt mức 12 triệu tấn hàng hóa/năm, 1 cầu cảng chuyên phục vụ tàu du lịch có khả năng tiếp nhận 200 tàu du lịch với 200.000 du khách/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng - 3 cầu cảng mới xây dựng trong giai đoạn 2 sẽ được nạo vét đạt mức nước sâu đến 14m, đủ sức tiếp nhận tàu container có tải trọng lên đến 75.000 tấn.

Trên cầu cảng sẽ được lắp đặt thêm 2 giàn cẩu chuyên bốc xếp hàng container và 4 cẩu công suất lớn, cho phép tiếp nhận bốc xếp tàu có tải trọng lớn, đồng thời rút ngắn thời gian xếp dỡ hàng, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những hãng vận chuyển container chuyên nghiệp trên thế giới.

Như chúng tôi đã thông tin, tuyên bố “không cần vay vốn ODA” và "nếu không huy động được nguồn vốn trong nước để làm cảng sẽ từ chức" của ông Sia ngày 27-3-2015 đã gây ngạc nhiên với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ (lúc bây giờ) và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lẫn lãnh đạo các sở ban ngành tham dự cuộc họp mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

Lý do, sau nhiều lần làm việc UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được vay vốn ODA của Nhật Bản vì dự án được TP Đà Nẵng hết sức quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của TP.

Theo đó, phía Nhật đã đồng ý tài trợ vốn cho dự án này với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và Nhật đồng ý tài trợ để chuẩn bị khởi công dự án năm 2016 thì phía cảng Đà Nẵng đề nghị “xin không vay nữa” mà huy động nguồn tự có để đầu tư.

Theo ông Sia, về số vốn cụ thể để đầu tư cho dự án đến nay đã chuẩn bị xong. Cụ thể, nguồn vốn tự có của công ty là 35%, nguồn vốn huy động từ cổ đông và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 35% và cuối cùng là nguồn vốn vay từ các ngân hàng chiếm 30%.

Hiện nay, tất cả nguồn vốn này đã có và sẵn sàng bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ.

Ông Sia cho biết năm 2015, lượng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa đã đạt 6,5 triệu tấn, dự kiến trong năm 2016 đạt khoảng 7 triệu tấn.

Thực tế liên tục trong nhiều năm nay, lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng luôn duy trì mức tăng trưởng từ 20-22%/năm, trong đó mặt hàng chiến lược là hàng container đạt mức tăng trưởng trung bình 18-20%/năm.

Theo Hữu Khá

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên