MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặc phái viên Mỹ tới Hàn Quốc bàn về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

03-02-2019 - 18:44 PM | Tài chính quốc tế

Ngày 3/2, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên sẽ tới Hàn Quốc để tiến hành các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 vào cuối tháng này, một số nguồn tin cho biết.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun sẽ có chuyến thăm ba ngày tới Seoul để hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok-chol, cựu đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, trong đó có việc thảo luận về các mục chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hai bên có thể có một cuộc họp tại làng biên giới Panmunjom vào sáng thứ Hai. Trước cuộc hội đàm, ông Biegun có kế hoạch gặp ông Lee Do-hoon, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, để phối hợp lập trường của họ về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông với ông Kim sẽ được công bố trong tuần này. Tuy nhiên cho tới nay, ông Trump mới chỉ xác nhận cuộc gặp này sẽ diễn ra vào cuối tháng 2, còn địa điểm thì vẫn chưa được phía Mỹ công bố, trong khi vẫn có nhiều đồn đoán rằng, Việt Nam sẽ là nơi diễn ra hội nghị lần 2.

Các đặc phái viên hạt nhân của Washington và Bình Nhưỡng dự kiến sẽ thảo luận chi tiết về các bước phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên nên thực hiện và các biện pháp tương ứng từ Mỹ.

Trong chuyến công du Bình Nhưỡng hồi tháng 10 năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hứa rằng nước này sẽ tháo dỡ và phá hủy tất cả các cơ sở làm giàu plutonium và uranium của họ để đổi lấy các biện pháp tương ứng của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford tuần trước, ông Biegun cho biết, tuyên bố đầy đủ của Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ sẽ được yêu cầu để được thừa nhận là quốc gia phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Ông Trump và ông Kim đã có cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái và đồng ý nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã trở nên bế tắc với việc Triều Tiên kêu gọi các biện pháp nới lỏng trừng phạt và các biện pháp tương ứng của Mỹ cho các bước phi hạt nhân hóa, trong khi Mỹ kiên quyết chỉ nới lỏng lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn, trong đó có việc tháo dỡ hết một bãi thử hạt nhân.

Theo Hà Thu

Tiền Phong

Trở lên trên