MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Có phải đường sắt khó cắt nhỏ như đường bộ để chia lợi ích nên thiếu đầu tư?"

Đây là một trong số những phát biểu của Đại biểu Quốc hội liên quan đến đường sắt. Các ĐBQH cũng đã đặt ra những câu hỏi chất vấn và tranh luận yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải trả lời đúng vấn đề trong sáng 04/6.

Đường sắt bị "bỏ rơi"

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Có phải đường sắt khó cắt nhỏ như đường bộ để chia lợi ích nên thiếu đầu tư? - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ngành đường sắt Việt Nam được kế thừa một hệ thống hoàn chỉnh thuộc dạng nhất Châu Á, được người Pháp xây dựng. Tuy nhiên, đường sắt đang là loại hình bị "bỏ rơi" trong nhận thức, dẫn đến thiếu sự đầu tư thích đáng.

"Đầu tư đường sắt có lẽ là vấn đề trong nhận thức. Đây là loại hình giao thông thuần công cộng, được kế thừa từ hệ thống đường sắt hoàn chỉnh thuộc loại nhất châu Á vào năm 1936. Cách đây 8 năm, Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc nhưng vẫn khẳng định những ý nghĩa của đường sắt. Có phải đường sắt ít được đầu tư, vì nó là dự án lớn và không dễ cắt nhỏ để chia sẻ lợi ích như đường bộ không?" – ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thừa nhận đường sắt trong hàng chục năm qua vẫn duy trì những đầu máy chạy diesel. Nhưng đầu tư đường sắt đòi hỏi nguồn vốn lớn và cần thông qua Quốc hội.

"Tôi thừa nhận ngành giao thông tham mưu kém. Đường sắt dùng diesel đã tồn tại 70-80 năm. Tôi xin nhận lỗi về việc này… Dự án đã 8 năm nhưng vẫn chưa được trình lại, trách nhiệm lớn thuộc về Bộ GTVT. Đáng lẽ Bộ phải kiên trì để xuất lên Quốc hội. Chắc chắn năm 2019, dự án đường sắt cao tốc sẽ được Bộ trình lên Quốc hội" – ông Nguyễn Văn Thể nói

Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu Dương Trung Quốc đã yêu cầu được tranh luận.

"Tôi không cho là Bộ tham mưu kém. Tôi là người viết lịch sử ngành đường sắt. Nó gần như bị bỏ rơi. Tôi muốn hỏi rằng, có phải đường sắt khó cắt nhỏ như đường bộ để chia lợi ích nên thiếu sự đầu tư?" – ông Dương Trung Quốc nhắc lại câu hỏi của mình.

Trên quan điểm cá nhân, Bộ trường Bộ GTVT cho biết, ông luôn muốn phát triển hài hòa các loại hình giao thông vận tải. Nhưng đường sắt là dự án hàng chục tỷ USD. Trong khi không thể "chắp vá", phải làm song hành vì khổ đường được đầu tư xây dựng sẽ rộng hơn hiện nay và làm luôn đường đôi cho tàu đi và về không phải tránh nhau. Quốc hội cũng đã đắn đo nên chưa quyết định phê duyệt dự án từ 8 năm trước.

"Bình luận ý kiến chia sẻ lợi ích của ĐBQH. Theo quan điểm cá nhân tôi, là phải phát triển hài hòa các loại hình giao thông. Đường sắt, cùng với đường thủy nội địa, đường thủy ven bờ đã không được đầu tư đồng bộ. Với tôi, đường nào cũng như nhau. Tôi làm vì cái tâm. Sắp tới đầu tư đường sắt cao tốc, có thể phải bỏ ra 50 tỷ USD. Nhưng mỗi nhiệm kỳ có thể chi một ít để sau nhiều năm có được đường sắt cao tốc" – ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm rằng, kỳ họp thứ 4 đã quyết định dùng 7.000 tỷ đồng, trong phần dự phòng vốn đầu tư công trung hạn, cho phát triển đường sắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT tiến hành nhanh hồ sơ để trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết.

"Bộ trưởng không đủ sức nhận trách nhiệm"

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Có phải đường sắt khó cắt nhỏ như đường bộ để chia lợi ích nên thiếu đầu tư? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm hoan nghênh phát biểu của Bộ trường Bộ GTVT. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà Bộ GTVT có thể khắc phục được ngay mà không cần chờ Quốc hội, ví dụ như: chất lượng phục vụ, chất lượng toa xe, vấn đề vệ sinh trên tàu,...

"Bộ trưởng nhận trách nhiệm, tôi hoan nghênh. Nhưng cá nhân bộ trưởng và Bộ GTVT không đủ sức nhận trách nhiệm" – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, có sự phân biệt giữa đầu tư cho đường sắt với đầu tư cho các loại hình giao thông khác.

Nhiều ĐBQH bày tỏ sự bức xúc về những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, và đề nghị Bộ trưởng phải đưa ra ngay giải pháp cho vấn đề.

Chỉ một phần trong số những đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt có gác chắn. Hơn 4 nghìn đường giao cắt không có gác chắn và ngành đã triển khai lắp đặt biển báo. Tuy nhiên, các phương tiện đã không chấp hành nghiêm. Các ĐBQH đều biết, đường sắt chỉ có 1 đường và không có đoạn tránh. Tàu hỏa cũng không thể giảm tốc ngay được. Vì vậy xảy ra tai nạn. Sắp tới sẽ không thể để tồn tại các đường giao xắt như hiện nay. Lâu dài sẽ có dự án đường sắt cao tốc, năm 2019 chắc chắn sẽ trình lên Quốc hội" – Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Ông Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, không có sự phân biệt trong đầu tư cho đường sắt với các loại hình giao thông khác. Trước mắt, Bộ đã chọn tuyến Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang để đầu tư. Đây là những tuyến "tốt", có lưu lượng vận chuyển lớn.

An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên