MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Ngô Văn Minh: “Quốc hội đi xe 1.8 thôi, nhưng các bộ ngành đi xe 2.4”

Tình trạng chi vượt dự toán, điển hình như mua sắm xe công ở các bộ, ngành lãng phí, tràn lan đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý thu chi ngân sách.

Phiên thảo luận chiều ngày 28/7 liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhiều đại biểu quốc hội đặt ra vấn đề cần tăng cường hơn nữa việc tuân thủ đúng quy định của luật về chi tiêu ngân sách.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), những báo cáo về thu chi ngân sách, đặc biệt là con số bội chi ngân sách mà Chính phủ đưa ra, thường đặt vào tình hống… chuyện đã rồi để hợp thức hóa chi tiêu. Thực tế này cho thấy, việc chấp hành pháp luật về ngân sách theo đúng tinh thần của Thủ tướng là tiết kiệm từng đồng thuế của dân, sử dụng đúng hiệu quả và mục đích đã không được thực hiện.

Kỷ luật ngân sách không nghiêm luôn bị đưa vào tình trạng... chuyện đã rồi

Trong khi đó, tình trạng chi ngân sách kém hiệu quả nhưng lại không quy trách nhiệm rõ ràng, được Đại biểu Minh chỉ rõ: “Trách nhiệm đối với các dự án chậm tiến độ vẫn chưa được làm rõ. Nhiều ĐBQH nói đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm, tăng hơn 300 triệu USD nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ký túc xá không có người ở, bảo tàng không có người vào, chợ không có người mua, nhà văn hóa không có người vào… cần làm rõ chứ đừng nói rút kinh nghiệm chung chung”.

Đặc biệt, hoạt động chi thường xuyên tăng, mà chủ yếu là chi vượt định mức. Đại biểu Minh dẫn chứng, việc quản lý xe công được Thủ tướng đặt ra, thế nhưng tình trạng mua và sử dụng xe công tràn làn, lãng phí vẫn diễn ra phổ biến.

“Tôi thấy Quốc hội đi xe 1.8 hay 2.0 thôi, nhưng các bộ ngành đi xe 2.4, vậy ai để xảy ra vấn đề này?” – Đại biểu Minh đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì bày tỏ lo ngại khi nợ công đang ngày càng tăng lên cũng như đặt ra nghi ngờ về con số thực của nợ công. Hiện nay, nợ công theo báo cáo của Chính phủ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng tốc độ nợ công tăng nhanh, chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, vị đại biểu này còn cho rằng Bộ Tài chính chưa đưa ra được con số xác nhận đầy đủ số dư nợ công khi cho rằng: “Có vẻ con số nợ công hiện nay là không sát thực tế, có thể còn cao hơn nhiều và có thể không còn nằm trong giới hạn mà Quốc hội và Chính phủ cho phép” – ông Tuấn đặt dấu hỏi.

Cần mạnh tay xử lý vi phạm trong chi tiêu ngân sách

Thực trạng kỷ luật, kỷ cương trong điều hành và quản lý ngân sách không nghiêm được các đại biểu nhìn nhận, chính là lý do khiến cho mỗi năm bội chi và nợ công ngày càng căng thẳng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chỉ ra là mặc dù thu cao hơn nhưng bội chi ngân sách luôn cao hơn dự toán.

“Tôi rất buồn trước nhận xét rằng, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương đều có tình trạng chi không đúng chế độ, vượt tiêu chuẩn và định mức. Tính kỷ cương, kỷ luật tài chính và ngân sách cần phải thực hiện nghiêm minh ở các cấp ngành” – Đại biểu Ngân chỉ rõ.

Theo đó, vị đại biểu này khuyến nghị bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính mạnh mẽ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tăng việc làm để có nguồn thu; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả sản xuất hoạt động của DN Nhà nước, để cổ tức từ các DN này phải đưa về ngân sách.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý chi thường xuyên; cắt giảm tối đa khoản kinh phí hội nghị, hội thảo và khánh tiết; sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa và phân bố sao cho có hiệu quả nhất.

Còn theo đề nghị của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), trước tình trạng kỷ luật thu chi ngân sách còn bất cập và có những sai phạm trong quản lý sử dụng ngân sách, cần phải thanh tra, kiểm tra và xử lý các đơn vị vi phạm được nêu trong báo cáo để tăng tính răn đe.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên