MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: "Trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả"

Thảo luận tại tổ về vấn đề nợ công trong Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5, theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, sau 7 năm áp dụng từ 2009, luật này đã không hoàn thành nhiệm vụ vì tốc độ tăng nợ công từ 2010- 2015 tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Như vậy luật này không đáp ứng thực tiễn. Nợ công, nếu tính cả các khoản thuộc nghĩa vụ nợ Chính phủ phải trả, thì con số là khá cao, mà theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đối với nền tài chính của chúng ta thì không có gì cải thiện sau 6 năm thực hiện. Do đó cần thiết phải có luật về nợ công mới để xử lý vấn đề bất cập thời gian qua.

Với các nội dung đặt ra, đầu tiên là định nghĩa lại nợ công theo tờ trình là bỏ nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị công lập, cả Ngân hàng xã hội, vấn đề này cần cân nhắc lại tính toán. Ở đây có nguyên tắc mà cơ quan soạn thảo đưa ra là không phù hợp thông lệ quốc tế. Nhưng đại biểu băn khoăn và đặt câu hỏi thông lệ quốc tế có phù hợp thể chế chính trị của nước ta hay không, có phù hợp quy định tổ chức chính quyền của chúng ta không mà đưa ra là thông lệ quốc tế? Có nước nào vốn 51% Nhà nước là DNNN như nước ta không? Không!

Đại biểu lấy ví dụ Vinashin vay của Credit Suisse hơn 600 triệu USD hồi năm 2007-2008, nhưng sau đó Nhà nước lại phải trả dù khi vay là theo cơ chế DNNN vay và trả. Vấn đề nói là vậy nhưng trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả. Ngay như vụ ở Xi măng Cẩm Phả cũng không trả được phải chuyển cho Viettel để Viettel trả. Hay như các dự án vay của ngân hàng trong nước thì cũng phải trả, vì đó là tiền ngân hàng huy động của dân. Tóm lại, đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề doanh nghiệp tự vay tự trả.

Trong quản lý nợ công, có nhiều quỹ đã tiêu hết nhưng có tính vào nợ công không, ví dụ quỹ đổi mới sắp xếp DNNN, nhưng đã tiêu hết rồi thì có tính vào nợ công không?... Theo đại biểu cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề để có biện pháp xử lý phù hợp.

Về cách quản lý, nói rằng có luật mới nhưng chúng ta đang phải điều chỉnh giới hạn nợ Chính phủ từ 50% lên 53%, rồi sau đó lại xin lên 55%. Chỉ nguyên số liệu này đã cho thấy việc đánh giá báo cáo của Chính phủ, của cơ quan soạn thảo trình lên chưa đi đến tận cùng vấn đề để bàn cách khắc phục nợ công.

Về nhiệm vụ và chỉ tiêu an toàn nợ, chiến lược và kế hoạch, theo đại biểu, trong điều 10 chương 2 của luật, đúng là có vấn đề chưa làm được rõ như quả trứng và con gà. Theo đó, Quốc hội công bố chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ phê duyệt chiến lược nợ công và Thủ tướng ký kế hoạch vay trả nợ công 5 năm. Như vậy việc giám sát của Quốc hội về nợ công bị cắt khúc, không kiểm soát được. Quốc hội phải có trách nhiệm tạo điều kiện, nhắc nhở sử dụng nguồn đầu tư công, vốn của dân có hiệu quả nhất.

Nói về việc trách nhiệm quản lý của bộ nào, theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, nếu căn cứ vào tổng dư nợ đi vay được thì Bộ Tài chính đi vay rất ít, không rõ được phân công như vậy hay thế nào, nhưng Bộ Kế hoạch đầu tư vay các thể chế (vay ODA) mới có 6,5 lần so với giai đoạn đầu, còn vay do Ngân hàng Nhà nước đứng ra vay của WB, IMF, ADB thì gấp 20,3 lần (tổng 151 nghìn tỷ).

Như vậy, dựa trên các con số tính toán đó mà bây giờ chuyển về một mối đi vay thì rất khó xử lý. Người đi vay nhiều nhất lại không phải xử lý. Đại biểu đề xuất nên chăng đừng chia ra ai quản lý, chúng ta chỉ nên chia hoặc Thủ tướng hoặc Chính phủ chịu trách nhiệm.

Nói về trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp đơn vị sử dụng vốn vay không hiệu quả, theo đại biểu, nếu quy định như vậy sẽ không phân biệt được, Bộ đi vay sẽ khác với HĐND hay UBND tỉnh. Tỉnh nếu đi vay không trả nợ được thì có thể bán tài sản trả nợ, nhưng Bộ thì không thể làm được vì Bộ thuộc trung ương.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên