MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng: Ung thư nhân cách dứt khoát phải loại bỏ

31-10-2019 - 09:37 AM | Xã hội

“Hiện tại có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn quất trong các cơ quan, đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Đây chính là một căn bệnh ung thư di căn về nhân cách mà chúng ta dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước”, đại biểu (ĐB) Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 30/10 tại diễn đàn Quốc hội, đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, cử tri và nhân dân rất phấn khởi trước kết quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, với nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm minh, kể cả cán bộ cao cấp. Riêng năm 2019, theo báo cáo Chính phủ, cơ quan điều tra đã thụ lý, điều tra 423 vụ, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Kết quả này đã chứng minh sinh động thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và khẳng định không có vùng cấm trong chống tham nhũng, qua đó, lòng tin của người dân ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên theo ông Tám, cử tri còn băn khoăn, chống tham nhũng đang được tiến hành mạnh mẽ, khẩn trương, đạt được nhiều kết quả nhưng trong chống lãng phí còn nhiều bức xúc. Nhiều dự án đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng không đạt hiệu quả mong đợi, hoặc dở dang kéo dài, xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng đội vốn còn diễn ra, khi cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có 245 dự án không hiệu quả. Đặc biệt, nhiều cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra sai phạm với nhiều diện tích đất được giao cho chủ đầu tư làm thất thoát của nhà nước nhiều tỷ đồng.

“Cử tri đánh giá cao trăn trở, tâm huyết của Thủ tướng cũng như đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng trong quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu nhưng đồng thời, cử tri cũng mong muốn lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các dự án kém hiệu quả, không hiệu quả trong cả nước để xử lý, trong đó có quy trách nhiệm cá nhân”, ông Tám nêu.

“Tả là lòng tham, hữu là đớn hèn”

Dẫn chứng hàng loạt vụ việc nóng xảy ra trong thời gian qua, điển hình như tình trạng đổ dầu thải “đầu độc” nguồn nước, “bảo kê” cho doanh nghiệp, “rút ruột” công trình, lập quỹ đen, sử dụng xe công bừa bãi… ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá, những hành vi đó không chỉ là vi phạm pháp luật, mà sâu xa hơn đó chính là sự vi phạm đạo đức, nguồn gốc của “tả là lòng tham, hữu là đớn hèn”.

“Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các ông tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng, đều khẳng định rằng, họ đã học tập và làm theo gương Bác Hồ. Hiện tại có lẽ còn rất nhiều loại cán bộ xấu xa đang lẩn quất trong các cơ quan, các đơn vị, tạo ra quốc nạn tham nhũng và tạo ra tình trạng mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Đây chính là một căn bệnh ung thư di căn về nhân cách mà chúng ta dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước”, ông Nhưỡng nêu.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, chúng ta không thể loại bỏ bằng những biện pháp thông thường mà phải cần quyết liệt hơn. Qua đó, phải tuyên chiến, cắt bỏ mọi hạch di căn đó ra khỏi cơ thể của Đảng, Nhà nước. Theo ông, cử tri rất bức xúc vì có tình trạng khoan hồng “giơ cao đánh khẽ” với cán bộ sai phạm nghiêm trọng. Cách xử lý này tạo ra sự bất công, cũng chính vì thế mà không buộc người xấu phải sám hối “tu thân sửa mình”, ngược lại họ sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.

“Tại kỳ họp thứ 4, tôi đã đề nghị Quốc hội thể hiện mạnh mẽ vai trò giám sát quyền lực để đồng hành với Chính phủ và cơ quan tư pháp. Ngày hôm nay tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu và triển khai một cách nghiêm túc vấn đề này”, ông Nhưỡng nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội triển khai tổ chức giám sát tối cao về hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

Viện dẫn Quy định 205 về kiểm soát quyền lực Bộ Chính trị vừa ban hành, ĐB Tám cho rằng, người dân đánh giá cao quy định này, đồng thời mong muốn Chính phủ có quy định trong đầu tư công, quản lý sử dụng công thổ quốc gia gắn với trách nhiệm cụ thể như Quy định 205.

Theo Nhóm PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên