MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 9 DN rời thị trường, chúng ta không nên quá lạc quan

Sau khi nghị quyết 35 ra đời, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn có những điểm cần tháo gỡ như tình trạng thanh tra kiểm tra, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Sáng nay ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đóng góp tham luận, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước đồng tình với báo cáo kinh tế xã hội, đặc biệt là mục tiêu Chính phủ kiến tạo cũng như 8 giải pháp nhằm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo.


Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước.

Đại biểu cũng đề xuất thêm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu kinh tế đề ra là mở rộng, tăng vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp, tăng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Tuấn Anh dẫn chứng, sau khi Nghị quyết 35 của Quốc hội ra đời, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn có những điểm cần tháo gỡ như tình trạng thanh tra kiểm tra, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Đại biểu cho biết, qua quá trình tiếp xúc với các cử tri cho thấy, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường nhưng vẫn thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này. Ông ví dụ về một doanh nghiệp chế biến mủ cao su đã nhận án phạt, đóng cửa nhà máy sản xuất chỉ sau 3 tháng hoạt động vì lý do tự ý thay đổi công nghệ không đúng quy trình dù công nghệ của nhà máy này hiện đại, cao hơn tiêu chuẩn quy định.

Hay một giám đốc doanh nghiệp cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa trước than phiền rằng cũng mất khá nhiều thời gian, chi phí để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mình.

Đại biểu dẫn Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng. Số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới. Tháng 4 là tháng có lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động cũng không ít.

"Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 9 doanh nghiệp rời thị trường", ông Tuấn Anh thận trọng nhắc nhở về việc không nên quá lạc quan về môi trường kinh doanh đầu tư.

Song đại biểu cũng nhắc đến việc nhằm khắc phục hạn chế trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 20 nhằm chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, gỡ bỏ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp (chỉ thị 20 được ban hành ngay ngày 17/5 tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp – PV).

Nhưng đại biểu cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể hoạt động tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến việc phải tăng khai thác vài triệu tấn dầu để tăng GDP. Đại biểu Tuấn Anh cũng đề nghị không nên tập trung khai thác dầu và tài nguyên để tăng GDP hay tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau.

Nói về nông nghiệp, ông Tuấn Anh cho rằng chúng ta xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng trụ đỡ này đang ngày càng yếu dần do biến đổi khí hậu, nguồn nước bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, hiện tượng được mùa mất giá, liên tục phải đưa ra các đợt giải cứu nông sản. Chính vì thế chủ trương đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ là con đường tất yếu và đúng đắn.

Tuy nhiên theo đại biểu, khi tiếp xúc với một doanh nghiệp triển khai trồng dưa lưới công nghệ cao thì để đầu tư ngành này cần lượng vốn lớn từ 6-15 tỷ đồng/ha, song hiện chưa có căn cứ hay chính sách cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận vay vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Vừa qua Chính phủ đưa ra gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao 100 nghìn tỷ nhưng để tiếp cận được rất khó khăn như: doanh nghiệp phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực, phải chứng minh được hoạt động trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phải nằm trong vùng quy hoạch,…

Vì vậy đại biểu Tuấn Anh đề nghị mở rộng và nới các tiêu chuẩn để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Ngoài ra cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn. Đề xuất tiếp theo là giảm lãi suất cho vay; thứ 3 là tăng cường giao đất cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và có hiệu quả; thứ 4 là khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đại biểu cũng đề xuất tăng cường các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận đồng thời tăng cường dự báo tình hình cung cầu thế giới để hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, cung vượt cầu dẫn đến được mùa mất giá, được giá mất mùa, gây ra nợ xấu- là cục máu đông trong nền kinh tế.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên