MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Móc ngoặc là hủy diệt cạnh tranh, hủy diệt chính mình”

"Đối với doanh nghiệp, nhất thiết phải cạnh tranh lành mạnh. Còn chạy theo móc ngoặc là hủy diệt cạnh tranh lành mạnh, hủy diệt chính mình.

Trong đối thoại với Nhà nước doanh nghiệp phải có tiếng nói chung vì lợi ích chung, cố gắng kinh doanh trên cơ sở pháp luật, đừng dựa vào mối quan hệ sẽ có ngày gãy đổ”, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết tại diễn đàn CEO Forum 2016 diễn ra ngày 30/9.

10 năm trước đây ông Trương Trọng Nghĩa từng là Giám đốc trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM, mang tâm huyết sâu đậm với doanh nghiệp Việt Nam, tâm huyết ấy vẫn còn đến bây giờ. Theo ông, liên kết không chỉ là kết nối, mà tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập. Cạnh tranh cũng là liên kết, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra liên kết lành mạnh để tạo ra sự phát triển.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: "Chúng ta sống trong thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta nằm trong mối liên hệ với nhau, nếu kết nối tốt sẽ độc lập, tự chủ hơn. Hiện nay chúng ta đang luẩn quẩn trong cái bẫy của thu nhập trung bình. Kinh tế thị trường có thể đưa đất nước tới dân chủ văn minh, nhưng chỉ là công cụ thôi, không phải là mục tiêu. Nếu không biết sử dụng kinh tế thị trường sẽ bị đẩy sang bên rìa văn minh".

"Theo tôi, đã hình thành lớp doanh nhân trẻ có học vấn, có hoài bão lớn, phải làm sao khuyến khích, trọng dụng họ, vì họ chính là niềm tin, là tương lai. Nhưng tôi cũng nghe rất nhiều than phiền, buồn bã từ đội ngũ này. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa đã lộ ra nhiều điểm yếu. Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng trăm triệu USD ở miền Tây nói với tôi rằng chỉ có hai công ty Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này, mà không thể nào cùng thống nhất giá với nhau. Chạy theo sự ngắn hạn, cục bộ, đơn lẻ, phá hoại lẫn nhau và phá hoại cộng đồng đang là lực cản lớn nhất khiến doanh nghiệp khó hội nhập với thế giới", ông Nghĩa nói thêm.

Theo ông Nghĩa, một bộ phận doanh nhân đang vì lợi ích cục bộ, phá rừng, phá biển, phá môi trường. Xu hướng tư bản thân hữu tạo nên nhóm lợi ích tiêu cực đang tăng lên, trách nhiệm xã hội và đạo đức doanh nhân trong một bộ phận đã xuống cấp. Một Việt kiều than phiền với ông rằng từng thấy một chủ ngân hàng đánh bạc một lần thua 5-7 triệu USD, tiền đó lấy ở đâu? Có lẽ phải thay đổi khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh” thành “nước mạnh dân giàu”… Không đạt mục tiêu công nghiệp hóa năm 2020 thì nhà nước chịu trách nhiệm, doanh nghiệp cũng chịu trách nhiệm.

Để liên kết sức mạnh Việt, ông Nghĩa cho rằng: Về mặt Nhà nước, phải nâng cao địa vị chính trị cho doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nhân cảm thấy bị đối xử về chính trị chưa công bằng. Làm sao chặt đứt "cánh hữu", đặc quyền đặc lợi. Sự phân phối nguồn lực không công bằng sẽ tạo nên bất công trong cạnh tranh. Nhà nước hãy làm tốt vai trò trọng tài công minh. Đội ngũ công bộc cố gắng tiếp sức, chứ đừng bắt chẹt, thậm chí trấn lột doanh nghiệp, làm tổn thương doanh nghiệp. Phòng chống tham nhũng nên quan tâm tham nhũng trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân.

Về phía doanh nghiệp, nhất thiết phải cạnh tranh lành mạnh. Còn chạy theo móc ngoặc là hủy diệt cạnh tranh lành mạnh, hủy diệt chính mình. Trong đối thoại với nhà nước doanh nghiệp phải có tiếng nói chung vì lợi ích chung, cố gắng kinh doanh trên cơ sở pháp luật, đừng dựa vào mối quan hệ sẽ có ngày gãy đổ.

Đặc biệt, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp phải có hoài bão. "Các bạn có công cụ tài chính, dịch vụ cao, phải sử dụng công nghệ đó để làm giàu cho đất nước. Làm việc, sáng tạo giống như mục tiêu của cuộc sống, để đẻ ra sản phẩm có lợi cho cộng đồng. Tinh thần yêu nước trong doanh nhân không mâu thuẫn với toàn cầu hóa, liên kết trong nước và quốc tế tạo ra tinh thần yêu nước chân chính, hóa giải rất nhiều mâu thuẫn giúp doanh nhân đạt mục tiêu cao hơn, xa hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Kim Yến

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên