MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia Phạm Công Danh: Những phi vụ liều mạng

04-07-2016 - 09:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong một thời gian ngắn, đại gia Phạm Công Danh đã nhanh chóng trở thành thành viên rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC). Tại đây, đại gia này đã có những sai phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Buôn vật liệu xây dựng tới ông chủ ngân hàng

Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Công Danh, chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh (Nguyên chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng - VNCB) cùng một số đồng phạm khác.

Ngay lập tức cái tên Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh chuyên kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và BĐS trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Thiên Thanh - tiền thân là Hãng Gạch Bông Hương Sơn từng được giới làm ăn biết đến biết đến qua các thương vụ mua nhiều BĐS lớn như: Green Plaza Đà Nẵng, Khách sạn Tam Kỳ Quảng Nam (2009), khu du lịch Long Hải Beach Resort Bà Rịa - Vũng Tàu (2011)… Riêng ở Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh có lẽ đã quá quen thuộc khi có liên quan đến dự án việc mua bán và xây dựng lại sân vận động Chi Lăng.

Ông Phạm Công Danh (sinh 1965, tại Quảng Ngãi) nổi tiếng với vai trò chủ tịch kiêm TGĐ Thiên Thanh. Và tất nhiên, ông Danh càng nổi hơn kể từ khi tập đoàn này tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng - VNBC

Con đường tham gia vào lĩnh vực ngân hàng của ông Danh có lẽ bắt đầu từ cuối 2012. Sau khi TrustBank được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương tái cơ cấu, đầu 2013, Tập đoàn Thiên Thanh đã tham gia tái cơ cấu TrustBank và dẫn đầu nhóm NĐT tham gia vào NH này. Với sở hữu gần 10%, ông Danh lên nắm chức chủ tịch HĐQT. NH Đại Tín được đổi tên thành NH Xây Dựng (VNBC) với vốn điều lệ tăng từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng.

Cái tên VNBC cũng có một sự trùng lặp khá đặc biệt bởi đầu 2012, Hiệp hội Bất Động sản đầu 2012 đã đề xuất thành lập NH Xây Dựng nhưng bất thành. Sau đó, VNCB chính thức ra mắt hồi cuối tháng 5/2013 tại sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội BĐS cũng là một điều bất ngờ.

Hồi cuối tháng 3/2014, VNCB đã gây xôn xao thị trường khi cùng với Thiên Thanh ra mắt gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng cho BĐS với mục đích để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho BĐS, nhiều loại vật liệu xây dựng và tháo gỡ khó khăn cho các dự án dở dang… Tuy nhiên, ngay sau khi công bố, gói tín dụng này đã gặp nhiều tranh cãi và việc triển khai cũng không hề dễ dàng.

Và những sai phạm ngàn tỷ

Theo Cáo trạng số 20/CT-VKSTC-V3 ngày 09/5/2016 của VKSNDTC: Sau khi được NHNN chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 06/9/2012), Phạm Công danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrusBank và đổi tên là VNCB. Tại thời điểm này, TrusBank đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - NHNN.

Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng, bằng việc lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí chủ tịch HĐQT VNCB; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh; Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB, thực hiện hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9 ngàn tỷ đồng.

Tháng 5/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để khống để rút 63,276 tỉ đồng.

Từ tháng 6-7 năm 2013 và tháng 2-3/2014, Danh đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) với hai công ty của Phạm Công Danh gây thiệt hại 581,6 tỉ đồng cho VNCB.

Tháng 12/2012 – 7/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo TGĐ Phan Thành Mai và các đồng phạm lập hồ sơ cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này. Sau đó, VNCB giải ngân và chuyển vào tài của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB. Ngày 21/8 và ngày 26/8/2013, có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong TK của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản là Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay.

Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 900 tỷ đồng.

Từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tich Hội đồng quản trị VNCB đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân khác do mối quen biết, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỉ đồng.

Sau đó, Danh chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt 4.700 tỉ đồng để trả nợ. Số còn lại 1.465 tỉ đồng, Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể, gây thiệt hại cho VNCB. VNCB đã thuê công ty cổ phần CP thông tin và thẩm định giá miền Nam tiến hành thẩm định giá đối với tài sản thế chấp (14 lô đất) và xác định các lô đất thế chấp nêu trên có giá trị hơn 2 nghìn tỷ đồng, đến nay VNCB không thu hồi lại được.

Thông tin tên Tuổi trẻ cho biết, TAND TP.HCM, dự kiến từ ngày 19-7 đến 18-8 sẽ đưa ra xét xử bị cáo Phạm Công Danh (51 tuổi) - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - và 35 bị cáo khác. Các bị cáo bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại VNCB.

Theo V. Minh

Vietnamnet

Trở lên trên