MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại hội Coteccons 2019: Bàn tiếp câu chuyện sáp nhập Ricons

07-04-2019 - 18:17 PM | Doanh nghiệp

Kusto trước đó bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương sáp nhập về một Coteccons, song "cần suy sét kỹ các giải pháp để làm sao đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và Công ty, cần có lộ trình về thời gian".

Xây dựng Coteccons (CTD) sắp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, một trong nội dung chính của lần họp này xoay quanh phương án hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần Ricons. Dự kiến, Coteccons sẽ phát hành thêm cổ phần phổ thông cho các cổ đông để hoán đổi, thời gian thực hiện từ 2019 – 2020. Sau giao dịch, Ricons sẽ chuyển đổi từ CTCP thành Công ty TNHH MTV.

Đây là câu chuyện làm nóng lần họp Coteccons từ năm ngoái, tuy nhiên sau một hồi thương lượng đã dời sang năm sau. Nhớ lại Đại hội 2018, hầu hết cổ đông nhỏ lẻ đồng thuận việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons gia tăng lợi thế cạnh tranh về quy mô, năng lực triển khai dự án. Chưa kể, kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh kinh doanh của Coteccons có dấu hiệu chững lại, vấp phải cạnh tranh bởi người cũ, nghi vấn về sự tâm huyết Chủ tịch, rủi ro xung đột nội bộ và đặc biệt sự nhập nhằng dòng tiền trong hệ thống quản lý; trong khi phía Ricons thì bước vào giai đoạn tăng trưởng "phi mã". Khá hợp lý để đưa Ricons về chung nhà!

Có lẽ bởi vậy mà rõ ràng Coteccons đã "nhún nhường" cổ đông thông qua việc nâng tỷ lệ cổ tức vọt lên 50%, đồng ý nâng kế hoạch kinh doanh năm 2018 cao hơn so với kịch bản thận trọng. Thay vào đó, Công ty hẹn cổ đông thêm thời gian cho việc sáp nhập, bởi "cổ đông lớn chưa đồng ý".

Xuyên suốt 1 năm sau đó, câu chuyện sáp nhập Ricons được mổ xẻ khá nhiều bởi giới quan sát cũng như giới phân tích. Cổ phiếu CTD mặc dù có hồi phục tuy nhiên vẫn "dùng dằng" tại mức 140.000 đồng/cp, khá thấp so với mặt bằng 220.000-230.000 đồng/cp trước khi xảy ra những lùm xùm.

Đại hội Coteccons 2019: Bàn tiếp câu chuyện sáp nhập Ricons - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu CTD.

Và, Đại hội lần này dự tiếp tục phần chất vấn xoay quanh việc sáp nhập - sẽ là trong năm 2019 hay lại dời sang năm 2020 để hiện thực hoá con đường Ricons về chung nhà với Coteccons?

Cổ đông lớn đã sẵn sàng?

Trở lại với lý do chưa thể thông qua phương án sáp nhập năm ngoái, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương từng phân trần: "Tôi đồng ý sáp nhập nhưng cổ đông lớn không đồng ý. Bản thân tôi sẵn sàng nhưng cổ đông đã sẵn sàng chưa? …Nếu chúng ta sáp nhập các công ty thành viên thì Công ty sẽ giá trị rất lớn".

Thực tế, đó là vấn đề. Khi phát hành để sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn hiện tại sẽ giảm sút, kéo theo đó là sự điều chỉnh về quyền hạn, lợi ích. Với một đơn vị vốn hoá nửa tỷ đô, tổng tài sản hơn 16.823 tỷ đồng đi cùng tốc độc tăng trưởng bình quân kép (CAGR) vào mức 30%, dư tiền mặt cả ngàn tỷ, không chịu áp lực nợ vay; kinh doanh cũng ấn tượng với lãi ròng hàng năm tăng hơn 40% (năm 2018 đạt 1.510 tỷ đồng), tỷ suất sinh lợi ROE xấp xỉ 20%... thì việc giảm sút phần trăm nhỏ sở hữu cũng là điều đáng cân nhắc.

Tính đến cuối năm 2018, Coteccons có 5 cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lên đến 41,33% vốn cổ phần. Trong đó, cổ đông ngoại chiếm hơn 47% vốn Coteccons với 7,1% trong tay VinaCapital; 7,31% thuộc về Korea Investment Management Co.Ltd và gần 18% vốn được sở hữu bởi Kustocem Pte.Ltd (Kusto).

Riêng Kusto, cùng với việc nắm giữ cổ phần tại các đơn vị liên quan Coteccons thông qua các quỹ thành viên, hiện tỷ lệ sở hữu Kusto tại Công ty khá lớn, xấp xỉ 35%. Như vậy, việc sáp nhập các công ty thành viên vào Coteccons sẽ ảnh hưởng đáng kể nhất đến nhà đầu tư xuất thân từ Singapore này.

Đại hội Coteccons 2019: Bàn tiếp câu chuyện sáp nhập Ricons - Ảnh 2.

Nguồn: BCTN 2018 CTD.

Tại Đại hội năm rồi, phản hồi việc bán ra cổ phần Coteccons, Kusto khẳng định họ không có ý định như tin đồn. Song song, Kusto bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương sáp nhập về một Coteccons, song "cần suy sét kỹ các giải pháp để làm sao đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và Công ty, cần có lộ trình về thời gian".

Cũng đồng ý sáp nhập, đại diện cổ đông lớn Kinh doanh và Đầu tư Thành Công có đề nghị thuê 3 đơn vị định giá để tránh ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông hay tương lai của "Một Coteccons".

Sáp nhập Ricons, Coteccons được gì?

Nghi vấn này có lẽ đã sớm có câu trả lời từ hơn 1 năm trước, đó chính là tiềm lực tăng trưởng khá lớn của Ricons kỳ vọng sẽ thúc đẩy Coteccons tiếp tục phát triển, đặc biệt trong giai đoạn ngành xây dựng chịu nhiều rủi ro từ chính sách bất động sản.

Bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2014 với lãi ròng tăng gấp đôi, Ricons những năm sau đó bước vào thời kỳ hoàng kim với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 50%, con số tại chỉ tiêu lợi nhuận lên đến 76% cho giai đoạn 2014-2018. So sánh với Coteccons, nếu như lợi nhuận sau thuế của Coteccons tăng chưa đến 5 lần trong 5 năm qua thì lãi ròng của Ricons thậm chí tăng hơn 10 lần cho cùng giai đoạn.

Kết thúc năm 2018, Ricons ghi nhận doanh thu 9.306 tỷ đồng, tăng 42%, lợi nhuận sau thuế hơn 431 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 của Ricons đạt 13.077 đồng. Trong khi đó, Coteccons năm qua dù doanh thu có tăng nhẹ 5% lên 28.561 tỷ, tuy nhiên lợi nhuận cả năm giảm gần 9% chỉ còn 1.510 tỷ đồng.

Đại hội Coteccons 2019: Bàn tiếp câu chuyện sáp nhập Ricons - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC Ricons.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản Ricons nhảy vọt từ mức 2.616 tỷ lên 5.292 tỷ đồng, đà tăng chủ yếu tập trung tại khoản phải thu ghi nhận thông qua việc gia tăng hợp đồng công việc. Ghi nhận tại BCTC năm 2017, giá trị hợp đồng ký mới của Ricons trong 2 năm qua đạt con số 24.000 tỷ, giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) cho giai đoạn 2018-2020 là 17.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tương tự Coteccons, Ricons cũng nói không với đòn bẩy tài chính khi dư nợ vay gần như bằng 0. Bên cạnh đó, lượng tiền Công ty khá dồi dào với 758 tỷ thặng dư vốn cổ phần, gần 517 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cộng với 338 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Với những gì Ricons đang có, người đứng đầu Coteccons không phủ nhận: "Chúng ta có ban kiểm soát, hội đồng đầu tư, khi chúng ta lớn lên, chúng ta không thể nào làm một mình một dự án được. Coteccons không thể tập trung toàn bộ lực lượng vào một dự án, chúng ta giao cho công ty đối tác vệ tinh của chúng ta. Chưa bao giờ có công ty nào có công ty vệ tinh tốt như vậy, chúng tôi hoạt động theo hệ thống, đầy đủ các giải pháp về tài chính sạch sẽ, chứ không phải lấy tiền túi này bỏ túi khác".

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên