MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đảm bảo an toàn nợ công, từ 2017 Chính phủ dừng bảo lãnh cho các "ông lớn" tập đoàn

Việc phải bảo lãnh vay nợ lớn cho các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước đã đẩy nợ Chính phủ lên mức vượt trần. Sang đến 2017, nhằm đảm bảo an toàn nợ công, Chính phủ sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước đang được bảo lãnh khoản nợ khoảng 26 tỷ USD, đưa nợ của Chính phủ vượt mức 50,3% GDP cuối năm 2015.

Do đó, để đảm bảo an toàn nợ công, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, Thú tướng yêu cầu phải định kỳ báo cáo nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác thì hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.

Trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện phương án tái cơ cấu tài chính dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh khẩn trương thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định trong năm 2016. Đối với các trường hợp đặc thù, Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp cho Bộ Tài chính theo yêu cầu, Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán bảo lãnh Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo công tác cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ ngày càng hiệu quả theo hướng phù hợp với Luật quản lý nợ công sửa đổi và định hướng của Chính phủ về bảo lãnh.

Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nợ trong việc đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh, cơ chế xử lý và áp dụng chế tài theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trong bản tin nợ mà Bộ tài chính phát đi, Chính phủ đang nợ hơn 86 tỷ USD, trong bối cảnh phải bảo lãnh nhiều khoản vay nợ lớn của các tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.

Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1%GDP.

Trong đó, vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như ngành điện. Chỉ tính tiêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số vay nợ đã lên tới 9,7 tỷ USD. Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) là 445 triệu USD.

Năm 2015, có 4 dự án nguồn điện được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng giá trị gần 2,1 tỷ USD, đã góp phần hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân và Duyên Hải.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (647 triệu USD), các công ty khác (2,7 tỷ USD).

Bảo lãnh dư nợ trái phiếu Chính phủ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 127.652 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 33.866 tỷ đồng. Riêng năm 2015, VDB đã phát hành 32.994 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách phát hành 14.949 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn khoảng 60.906 tỷ đồng.

Nợ công tăng cao, nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn. Với nghĩa vụ trả nợ khoảng 273.000 tỷ đồng năm 2016, Chính phủ đã duyệt kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng (ứng 20 tỷ USD). Trong đó, bù đắp bội chi ngân sách là 254.000 tỷ đồng.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên