MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạm Ninh Bình dự kiến “lỗ bền vững” hàng nghìn tỷ đồng

06-01-2017 - 15:46 PM | Doanh nghiệp

Dự kiến năm 2016 nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ 1.078 tỷ đồng, 2017 nếu nhà máy tiếp tục hoạt động sẽ lỗ 950 tỷ đồng, nếu dừng hoạt động nhà máy sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây của chủ đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình - Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem ) cho biết, tổng doanh thu công nghiệp năm 2016 của nhà máy Đạm Ninh Bình ước đạt 1.345 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch và bằng 47% năm 2015. Kết quả tài chính năm 2016 công ty dự kiến lỗ 1.078 tỷ đồng.

Trên cơ sở rà soát kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016, đánh giá tình hình thị trường, khả năng chạy nhà máy của công ty, ngày 7/11/2016 vừa qua, HĐTV công ty đã ban hành Nghị quyết 1778 giao kế hoạch năm 2017 với sản lượng sản xuất 290.000 tấn urê và trình Tập đoàn ngày 24/11 vừa qua.

Theo đó, phương án tiếp tục sản xuất, công ty dự kiến giảm lỗ khoảng 250 tỷ đồng so với phương án ngừng máy toàn bộ trong năm 2017. Năm 2017 nếu dừng nhà máy dự kiến lỗ 1.200 tỷ đồng.

Lý giải khoản lỗ dự kiến lên đến 1.200 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình cho biết, ngừng nhà máy các chi phí cố định như lãi vay vốn, khấu hao tài sản cố định, còn phát sinh chi phí công nhân làm nhiệm vụ bảo dưỡng, trông gác máy và quản lý tối thiểu, chi phí xử lý công nghệ và môi trường.

Ngoài ra, đây là nhà máy hoá chất với công nghệ phức tạp, máy móc thiết bị nhiều, tính ăn mòn cao nên các rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường nếu ngừng nhà máy dài ngày là rất lớn, không lường trước được.

Cũng tại báo cáo này, chủ đầu tư nhà máy cho biết, 3 lý do công ty ngừng nhà máy từ tháng 7/2016 đến nay là ảnh hưởng của cơn bão số 1 - Mirinae gây ra thiệt hại trang thiết bị nhà máy ước tính khoảng 19 tỷ đồng; tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp, lượng urê tồn kho lớn; và đặc biệt là khó khăn về tài chính, thiếu vốn cho sản xuất.

Về tình hình tài chính, tính tới thời điểm 1/9/2016, Công ty Đạm Ninh Bình có khoản vay dài hạn hơn 8.375 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng.

Mặc dù Vinachem đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng công ty vẫn không thể cân đối dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn. Nợ ngắn hạn các khoản vay tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến 28/7/2016 là hơn 227 tỷ đồng và 610 tỷ đồng. Vì vậy các ngân hàng này đã chuyển nhóm nợ công ty sang nhóm II và III, đồng thời dừng giải ngân vốn vay cho công ty khiến tình hình càng thêm khó khăn.

Trước đó, tính toán của báo cáo khả thi Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cho thấy, số lỗ được lên kế hoạch là 47 triệu USD trong 3 năm hoạt động đầu tiên, tương đương 1.055 tỷ đồng.

Hồi tháng 9/2016, một báo cáo của Công ty đã cho hay, tổng cộng lỗ từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng).

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn urê/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Được khởi công xây dựng từ năm 2008, năm 2012 Nhà máy đi vào hoạt động và liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.

Đây cũng là 1 trong số 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương có vốn đầu tư lớn nhưng thua lỗ nặng. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo, sẽ quyết liệt xử lý, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến việc thua lỗ này.

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

Trở lên trên