MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân bị thiệt hại do sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung chuẩn bị được nhận đền bù

23-09-2016 - 09:02 AM | Xã hội

Sáng 22.9.2016, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, chiều 22.9.2016, Bộ Tài chính cùng các bộ:NNPTNT, TNMT và đại diện chính quyền 4 tỉnh miền Trung họp rà soát lại danh mục thống kê các đối tượng được đền bù do thiệt hại từ sự cố cá chết để trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai, sau khi thống nhất nội dung, dự kiến sang tuần tới sẽ trình Chính phủ ban hành Quyết định mức bộ thường cho các đối tượng bị thiệt hại, kể cả đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng như: Người làm nghề xe ôm, người kinh doanh hải sản, các dịch vụ “ăn theo” dịch vụ đánh bắt và nuôi trồng…

“Vấn đề quan trọng là phải rà soát chính xác, thận trọng, công bằng, đúng đối tượng để việc đền bù cho người bị thiệt hại đúng, đủ, không xảy ra sai sót” – ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết.

Trước câu hỏi của PV về việc liệu có xảy ra tiêu cực trong vấn đề bồi thường, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai khẳng định: Danh sách người được đền bù là do địa phương kê khai, đã qua thẩm định chéo giữa các thôn, xã; đã qua nhiều “vòng” lấy ý kiến đóng góp, tham gia thảo luận của người dân, việc đền bù không bằng hiện vật mà trả trực tiếp bằng tiền, nên sẽ không xảy ra tiêu cực.

Bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ do thiệt hại từ sự cố biển

Trước đó, thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, ngày 1.9.2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT (NNPTNT) đã có công văn số 7433/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn bổ sung kê khai thiệt, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Theo đó, ngoài những đối tượng được hướng dẫn tại văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12.8.2016, Bộ NNPTNT đã hướng dẫn bổ sung một số đối tượng thuộc các lĩnh vực như: Khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thủy sản và cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản để tiến hành xác định, kê khai, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra.

Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, bổ sung thêm đối tượng chủ tàu cá và người lao động trên tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên, có đăng ký và trực tiếp khai thác hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ ngày 6-4-2016 đến 30-9-2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đã bổ sung các đối tượng để tiến hành kê khai xác định thiệt hại gồm: Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 hoặc mới đầu tư xây dựng nhưng không thả nuôi trong thời gian từ ngày 6.4 đến 30.9.2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản nêu trên.

Đối tượng được bổ sung kê khai thiệt hại trong lĩnh vực chế biến thủy sản gồm: Chủ cơ sở chế biến nước mắm, mắm hải sản, tẩm ướp hải sản… có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã/phường/thị trấn ven biển, cửa sông, đầm phá vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ cơ sở nêu trên.

Về cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản bổ sung thêm đối tượng là chủ cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã/phường/thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, còn lưu kho các sản phẩm thủy sản được thu mua trước ngày 30.8.2016. Người làm thuê thường xuyên có thu nhập chính từ cơ sở nêu trên.

Theo KH.V

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên