MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân kiến nghị NHNN thanh tra, rà soát các giao dịch để tránh lặp lại trường hợp như OceanBank Hải Phòng

20-05-2018 - 09:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Cử tri Hải Phòng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện tổng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và rà soát lại các giao dịch tài chính giữa ngân hàng và khách hàng để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm...

Mới đây Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có câu trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố.

Một trong các kiến nghị được cử tri Hải Phòng đề cập là đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện tổng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và rà soát lại các giao dịch tài chính giữa ngân hàng và khách hàng để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm, tránh xảy ra các vụ việc tương tự như tại Chi nhánh Ngân hàng OceanBank Hải Phòng vừa qua (vụ hơn 20 khách gửi tiền ở OceanBank bị mất hơn 400 tỷ - PV).

Trả lời cử tri, Thống đốc cho biết, do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất nên công tác thanh tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng, trong đó có các hoạt động huy động tiền gửi, thanh toán, thẻ... luôn được ngành Ngân hàng coi là nhiệm trọng tâm thường xuyên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Hàng năm, Thống đốc NHNN đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đồng thời, NHNN cũng thường xuyên phối h.ợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Nhờ đó, trong văn bản số 3021/BCA-C41 ngày 08/12/2016, Bộ Công an đã nhận định: Từ năm 2015 đến nay, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn, nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn.

Các biện pháp cụ thể đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm ngân hàng đã và đang được NHNN chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục trong toàn ngành, gồm:

Một là, chỉ đạo toàn hệ thống TCTD: (i) Chủ động rà soát quy trình nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ tại trụ sở các chi nhánh, phòng giao dịch nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội (cướp tiền, tài sản); (ii) Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu công khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy trình thủ tục, bảo mật thông tin khách hàng nhằm phòng tránh, hạn chế rủi ro trong quá trình giao dịch;

(iii) Nâng cấp, kiểm tra hoạt động của hệ thống ATM, thiết bị đọc thẻ, sử dụng công nghệ thẻ thông minh, chuyển từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip… ; (iv) Xây dựng các kênh tiếp nhận, xử lý thông tin để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tội phạm (gian lận, giả mạo, lừa đảo), biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong quá trình giao dịch với ngân hàng; 

(v) Kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy trình, quy định nội bộ, quy định pháp luật của cán bộ, nhân viên ngân hàng trong các giao dịch, nghiệp vụ ngân hàng và thường xuyên luân chuyển cán bộ (nhất là đối với cán bộ thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến huy động vốn, cho vay) nhằm hạn chế tối đa các vụ việc gian lận, lừa đảo có sự tiếp tay hoặc cố tình vi phạm của cán bộ ngân hàng.

Hai là, thường xuyên đánh giá, tổng kết các hành vi sai phạm, tội phạm, rủi ro trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng để kịp thời thông báo, cảnh báo, chấn chỉnh trong toàn hệ thống TCTD. Ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính. Tổ chức Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng trong toàn hệ thống với sự tham dự của Bộ Công an và các Bộ, Ban, ngành địa phương liên quan nhằm quán triệt và yêu cầu các TCTD phát hiện, xử lý, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm mà NHNN đã cảnh báo...

Ba là, đưa nội dung chấp hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo của NHNN về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng vào kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán điện tử cũng như các thiết bị đọc thẻ trong quá trình cung ứng dịch vụ.

Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là cơ quan Công an để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Những vi phạm có dấu hiệu hình sự đã được NHNN chỉ đạo các TCTD chủ động chuyển hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an để điều tra xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đối với các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người gửi như trường hợp Oceanbank Hải Phòng, Thống đốc cho biết, ngay sau khi có các thông tin liên quan đến các vụ việc phát sinh, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và xử lý các hành vi vi phạm, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, như: chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra/kiểm tra làm rõ, xác minh thông tin các vụ việc xảy ra; phối hợp với cơ quan điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền...

Cũng theo tư lệnh ngành ngân hàng, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những vụ việc sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động ngân hàng nói chung.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên