MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân ở cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước

19-11-2017 - 13:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Chất vấn tại Quốc hội ngày 17/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, ông nhận được ý kiến của nhiều cử tri về thông báo của Thanh tra Chính phủ số 2214 ngày 31/8/2017 về thanh tra công tác kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Theo thông báo này, “không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm và chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả”.

Thông báo này cũng nói rằng, Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Trong thông báo này, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho kiểm tra và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Nghĩa hỏi, từ tháng 8 đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã xử lý việc này như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành thực hiện công tác kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước ở cơ quan thanh tra giám sát theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

“Trên cơ sở kết quả báo cáo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan của cơ quan thanh tra, giám sát, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ hướng xử lý trong thời gian tới, khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo với đại biểu về kết quả xử lý”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Liên quan đến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua, ngành ngân hàng đề nghị có điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Thực tế, nhiều ngành khác cũng rủi ro, nhưng không có ngành nào có điều khoản miễn trừ trách nhiệm như ngành ngân hàng.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu chất vấn Thống đốc nếu Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) mà không có điều khoản miễn trừ trách nhiệm này thì ngành ngân hàng có làm tròn được nhiệm vụ của mình không?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng không đề nghị miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu cán bộ nào tham gia tái cơ cấu có hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý theo các quy định của pháp luật.

Ngành ngân hàng mong muốn có quy định về miễn trừ trách nhiệm trong dự thảo Luật là nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực, trình độ yên tâm tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

“Chúng ta phải tăng cường các cán bộ từ các tổ chức tín dụng nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước sang để hỗ trợ quá trình này. Muốn có được những cán bộ có trình độ, năng lực thì chúng ta cũng nên có những quy định chuyên ngành như thông lệ các nước”, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị.

P.V

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên