MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chuỗi tăng trần 17 phiên liên tục của chứng chỉ quỹ FUCVREIT

Cổ đông lớn nhất - CTCP Đầu tư Thảo Điền nắm tới 4.978.800 chứng chỉ quỹ tương ứng 99,58%. Lượng chứng chỉ quỹ trôi nổi bên ngoài chỉ có 21.200 chứng chỉ quỹ, trong đó đã được phân phối đến một số người nội bộ.

Ngày 27/02/2017, 5 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam (TC REIT) được niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán FUCVREIT, giá tham chiếu 10.000 đồng/ccq. Đây là quỹ đầu tư bất động sản nội đầu tiên của Việt Nam.

Theo giới thiệu, Quỹ TC REIT hoạt động theo chiến lược đầu tư dài hạn, tập trung vào bất động sản cho thuê nhằm thu hút dòng tiền đều đặn. Ngoài ra, quỹ cũng sẽ xem xét các BĐS như nhà ở, chung cư được đầu tư bởi các tổ chức có uy tín…

Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, hiện tại quỹ này đang tạm thời giải ngân vốn vào cổ phiếu bất động sản để đáp ứng quy định của pháp luật về cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ. Trong tương lai, khi tìm được những bất động sản phù hợp sẽ thực hiện giải ngân vào bất động sản.

Cụ thể, TC REIT đang đầu tư vào 2 cổ phiếu là VIC của Vingroup và NLG của CTCP Nam Long.

“Lý lịch” của FUCVREIT không quá hấp dẫn, nhưng chứng chỉ quỹ này đã tăng trần tới 17 phiên liên tục kể từ khi lên sàn đến nay, ghi nhận mức tăng giá 246%. Bất chấp giá trị tài sản ròng trên 1 chứng chỉ quỹ (NAV/ccq) của FUCVREIT tính đến 14/03/2017 là 10.503 đồng, thị giá của chứng chỉ quỹ trên sàn lên tới 34.650 đồng – cao hơn 3 lần NAV/ccp. Thông thường, khi chứng chỉ quỹ ở trong tình trạng như vậy, người nắm giữ sẽ bán ra.

Đánh giá về hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch Ban Đại diện Quỹ cho hay: “Diễn biến này phản ánh về cung và cầu của thị trường. Chúng tôi không đưa ra bình luận gì mà hiện nay chỉ tập trung vào các công tác quản lý của quỹ.”

Một số nhà đầu tư cho rằng sự tăng giá ấn tượng của FUCVREIT đến từ yếu tố “độc lạ” khi đây là chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản nội đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cùng thời gian, trên thị trường chứng khoán, cơn sóng của cổ phiếu bất động sản đang trỗi dậy mạnh mẽ (NLG cũng là một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh), điều đó tạo thêm sức hấp dẫn cho FUCVREIT.

Một điểm hay khác của quỹ này là phân chia lợi tức. Theo quy định, Quỹ phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho nhà đầu tư dưới hình thức lợi tức bằng tiền mặt hoặc phát hành thêm chứng chỉ quỹ.

Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất khiến cho chứng chỉ quỹ này tăng trần liên tục như vậy, có lẽ là do tỷ lệ trôi nổi quá thấp. CTCP Đầu tư Thảo Điền nắm tới 4.978.800 chứng chỉ quỹ tương ứng 99,58%. Lượng chứng chỉ quỹ trôi nổi bên ngoài chỉ có 21.200 chứng chỉ quỹ, trong đó đã được phân phối đến một số người nội bộ.

Ví dụ, bà Đỗ Tú Anh – Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Thảo Điền cũng là thành viên Ban đại diện quỹ, sở hữu 100 chứng chỉ quỹ. Bà Phan Thị Thu Hằng – Kế toán trưởng của TC REIT và bà Nguyễn Thị Hoạt – Kiểm toán nội bộ của TC REIT đều sở hữu 100 chứng chỉ quỹ.

Công ty CP Đầu tư Thảo Điền cũng không phải là gương mặt xa lạ với Techcombank. Công ty được thành lập vào ngày 09/02/2007 và đánh dấu sự ra mắt của mình trên thị trường bất động sản Việt Nam bằng dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền vào tháng 10 năm 2014. Dự án này được thực hiện với sự phối hợp cùng Techcombank và Vingroup. Theo đó, CTCP Đầu tư Thảo Điền là chủ đầu tư dự án, Vingroup là chủ đầu tư Khu trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Thảo Điền, Techcombank là nhà tài trợ tín dụng và bảo lãnh dự án.

Vừa qua, cùng với việc CTCP Đầu tư Thảo Điền đăng ký bán ra 1,5 triệu chứng chỉ quỹ FUCVREIT thì bà Phan Thị Thu Hằng và bà Nguyễn Thị Hoạt đều đăng ký bán hết 100 chứng chỉ quỹ đang nắm giữ, “chốt lãi” với tỷ suất lợi nhuận rất lớn. Nếu bán được hết số chứng chỉ quỹ này, tạm tính, Thảo Điền có thể lãi gần 37 tỷ đồng, còn số lãi "tạm tính" dựa trên 4,97 triệu ccq mà đơn vị này nắm giữ lên tới hơn 120 tỷ đồng.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên