MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chuyện “quy hoạch” của dự án tỷ đô Hoa Sen – Cà Ná

Là dự án mới được đưa ra và chưa có đánh giá tác động môi trường, dự án thép Hoa Sen – Cà Ná có quy mô lên tới 16 triệu tấn/năm đã được đưa vào quy hoạch phát triển ngành thép cuối tháng 8/2016.

Điều đáng chú ý, Ninh Thuận là nơi mà dự án Hoa Sen – Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, lại không nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký vào ngày 22/8.

Theo đó, mục tiêu cụ thể mà quy hoạch này đặt ra đối với ngành công nghiệp và xây dựng là chiếm tỷ trọng 40 – 41% GDP vào năm 2020; năm 2025 là 41 – 42% và năm 2035 là chiếm 36 – 37%.

Không có trong quy hoạch vùng

Trong đó, riêng tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16-17% giai đoạn 2016 – 2020; 17 – 18% giai đoạn 2021 – 2025 và 15 – 16% giai đoạn 2025 – 2035.

Đến năm 2025, quy hoạch này cũng nêu rõ là sẽ đầu tư mới cơ sở sản xuất phôi thép, thép tấm với công nghệ hiện đại trong đó ưu tiên sản xuất thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo.

Như vậy, ưu tiên trong quy hoạch này là sản xuất công nghệ hiện đại trong đó tập trung vào thép hợp kim để phục vụ cơ khí, chế tạo.

Cũng trong quy hoạch của Bộ Công Thương, đối với nhóm các dự án ngành luyện kim (sản xuất thép) thì các nhà máy phôi thép, luyện thép sẽ tập trung ở Nghi Sơn – Thanh Hóa; nhà máy sắt xốp và luyện gang tập trung ở Nghệ An; liên hợp luyện kim tập trung ở Nhơn Hội – Bình Định.

Riêng đối với nhà máy luyện cán thép vốn là lĩnh vực mà dự án Hoa Sen – Cà Ná sẽ đầu tư, quy hoạch chỉ rõ là sẽ phát triển ở Đà Nẵng. Như vậy, trong quy hoạch này thì Ninh Thuận không hề có tên trong danh mục các dự án sẽ triển khai liên quan đến ngành thép.

Trong khi đó, tham vọng của Hoa Sen là xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép khép kín để sản xuất các loại sản phẩm thép thành phẩm, bán thành phẩm (như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo...) và các sản phẩm phát sinh (ximăng, điện). Bên cạnh đó, cũng dự tính xây cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận dùng để làm bến nhập than, xuất thép.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường được tổ chức mới đây để lấy ý kiến thông qua dự án thép Hoa Sen – Cà Ná, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen cho biết khi làm dự án này thì phải nhìn thị trường ASEAN chứ không chỉ là thị trường nội địa. Bộ Công Thương cũng cho biết, đến nay ngành thép chỉ sản xuất được thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Bộ này tính toán, cả nước thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô đến năm 2025.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương thời gian vừa qua không có tình trạng đầu tư dự án thép ngoài quy hoạch. Mặc dù có những dự án triển khai đúng tiến độ và đi vào hoạt động, song phần lớn các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai. Trong đó, thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo trong nước chưa sản xuất được, còn gang và phôi thép thì một số dự án chưa, chậm triển khai (đặc biệt là dự án Formosa Hà Tĩnh) bị chậm tiến độ nên mục tiêu sản xuất không đạt.

Sớm đưa vào quy hoạch, có đúng quy trình?

Cuối tháng 8 vừa qua Bộ Công Thương đã chính thức đưa dự án Formosa vào quy hoạch với công suất 16 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khá nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại khi cho rằng cần phải tính toán rất kỹ yếu tố cung cầu thị trường, bởi hiện nay sản lượng thép đang dư thừa rất lớn.

Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 của Bộ Công Thương ký năm 2013, đặt ra mục tiêu sản xuất phôi thép (từ gang, sắt xốp và thép phế) đến năm 2020 là 25 triệu tấn và năm 2025 đạt khoảng 40 triệu tấn; thép thành phẩm cũng ở mức tương đương khoảng 40 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì cùng với các nhà máy đang sản xuất, việc Formosa đi vào vận hành cung cấp sản lượng lên tới trên 22 triệu tấn, có thể đủ cung cấp cho thị trường. Do vậy, ông Mại cho rằng cần cân nhắc đối với dự án Hoa Sen – Cà Ná bởi Việt Nam không làm thép nữa.

Một thông tin đáng chú ý khác, Bộ Công Thương đánh giá, quy hoạch ngành thép hiện bộc lộ nhiều nhược điểm cần được điều chỉnh theo hướng loại bỏ dần các dự án chậm triển khai hoặc các dự án có trong quy hoạch nhưng quy mô nhỏ. Theo đó, cần cân đối phần thượng nguồn liên quan đến phôi thép với các khu liên hợp luyện thép gắn với cảng nước sâu, có quy mô công suất lò cao dung tích từ 1.000m3.

Theo định hướng này, Hoa Sen – Cà Ná có thể đáp ứng được khi đây là tổ hợp thép khép kín, công suất lò cao có dung tích từ 1.000m3 trở lên… Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi khi mà quy hoạch mới được xây dựng, đã vội vã bổ sung thêm một siêu dự án vào quy hoạch, liệu có tuân thủ đúng quy trình?

C. An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên