MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau việc khách Trung Quốc rời bỏ Việt Nam

Khách du lịch đến từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm được ghi nhận đạt 2,89 triệu lượt, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này bắt đầu từ đầu năm và kéo dài đến nay.

Tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào năng trưởng từ các thị trường gồm Trung Quốc, nhóm các thị trường lớn ở Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), nhóm các thị trường Đông Nam Á và nhóm các thị trường khác gồm Mỹ, Nga, Úc và Tây Âu.

Tuy nhiên, thời gian trở lại đây số lượng khách đến từ Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê ngày 29/7 cho thấy trong 7 tháng đầu năm, khách từ Trung Quốc đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Giải thích hiện tượng này, phía Tổng cục Du lịch cho biết do căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và sự giảm tốc của các nền kinh tế châu Á.

Mặt khác, trong thời gian gần đây, các nước trong khu vực đã có sự cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách du lịch quốc tế bằng những chính sách tăng cường như: đầu tư xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực…

Ở chiều ngược lại, Tổng cục Du lịch nhận định một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, dẫn đến phân tán lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đón nhận tin không vui từ lượng khách đến từ Trung Quốc. Thái Lan cũng chung cảnh ngộ. Thay vì chọn những địa điểm quen thuộc, người Trung Quốc đang dịch chuyển địa điểm du lịch sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Số liệu nửa đầu năm 2019 ghi nhận khách Trung Quốc đến hai quốc gia này tăng lần lượt là 29% và 12%.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, phía Tổng cục Du lịch cho biết ngành sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề trong 6 tháng cuối năm 2019.

Thứ nhất là phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và ngành hàng không nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức đón khách du lịch tại một số địa bàn du lịch trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thống nhất kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm kích cầu thu hút khách du lịch nước ngoài từ các thị trường trọng điểm từ nay đến cuối năm.

Thứ hai là tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách du lịch trọng điểm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương chủ động quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài. Đẩy mạnh ứng dụng e-marketing, du lịch trực tuyến nhằm tăng trưởng khách ổn định.

Thứ ba là tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ các sự kiện du lịch lớn ở trong nước, chủ động quảng bá sớm cho sự kiện thể thao quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam là giải đua xe F1 và Năm ASEAN 2020 Việt Nam với vai trò chủ tịch.

Thứ tư là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển du lịch, hướng dẫn viên; Thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong công tác về công tác quản lý điểm đến.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên