MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh cược với 'cổ phiếu trà đá'

Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cổ phiếu giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng, chưa đủ mua ly trà đá.

Trong xu thế VN-Index đang tăng khi lần đầu tiên trong năm đã vượt mức 600 điểm, một số nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ “cổ phiếu trà đá” với hy vọng thu lãi khủng khi có “kỳ tích” đẩy giá lên cao.

Nếu căn cứ vào các chỉ số cơ bản như EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu - CP) hay P/E (giá/thu nhập mỗi CP) thì hầu hết nhà đầu tư (NĐT) được hỏi đều lắc đầu không dám bỏ tiền mua các CP này vì không có cơ hội thắng khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều ì ạch. Thế nhưng, một số người vẫn có quan điểm “liều ăn nhiều”.

Trúng hàng trăm triệu

Dù không mua được đáy và bán không được ngay đỉnh nhưng một số NĐT cũng khá hào hứng khi thắng đậm trong thời gian qua nhờ vào những CP giá bèo. Anh Hoàng, một NĐT tại Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết đã kiếm được gần 200 triệu đồng chỉ từ đợt đầu tư vào CP của Công ty cổ phần Tài Nguyên (TNT). Với mức giá mua vào gần 4.000 đồng/CP và khi bán ra 14.000 đồng/CP, anh Hoàng lãi được 10.000 đồng/CP. TNT là CP lập kỷ lục về mức tăng giá trong năm 2015 khi tăng một mạch từ 2.500 đồng/CP lên 25.500 đồng/CP. Theo anh Hoàng, hiếm có NĐT cá nhân nào “ra hàng được đúng đỉnh” và mức lãi 10.000 đồng/CP đã vượt xa sự kỳ vọng của anh. “Nếu so với số vốn đầu tư ban đầu thì tỷ suất lợi nhuận đạt được 250%, hơn lợi nhuận của nhiều kênh đầu tư khác. Thế là quá tuyệt rồi”, anh Hoàng hồ hởi.

Còn đối với chị Yến, bán CP của Công ty cổ phần đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) ở giá 23.600 đồng vào đầu tháng 1 năm nay cũng thu được số lời gần 100 triệu đồng khi giá vốn bỏ ra trước đó chỉ khoảng 6.000 đồng/CP. Nhưng nếu so với mức giá 45.000 đồng/CP hiện nay mà DRH chạm tới thì chị Yến đang “tiếc hùi hụi” vì bán ra quá sớm.

Nguy cơ rơi... vực

Chính những câu chuyện thắng đậm đã thúc đẩy nhiều NĐT “liều mình”, thậm chí, với những CP đang đối diện với việc bị hủy niêm yết thì vẫn có người mua người bán rộn ràng. Đó là trường hợp của GTT - Công ty cổ phần Thuận Thảo, sẽ bị hủy niêm yết trên sàn TP.HCM từ ngày 30.5 do tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2015 là 621,52 tỉ đồng, vượt quá vốn điều lệ 435 tỉ đồng. Quyết định này đã công bố chính thức từ cuối tháng 4 nhưng vẫn có hàng triệu CP được giao dịch trong các phiên vừa qua với giá xoay quanh 800 - 900 đồng/CP.

Ngay những nhà đầu tư khoe thắng đậm như anh Hoàng cũng từng nếm những bài học thua lỗ nặng nề. Anh Hoàng kể lại, trước đây anh theo dõi thấy

CP KSS (CP của Công ty cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico) luôn “hot” trên sàn TP.HCM và mỗi phiên có hàng chục triệu CP được giao dịch, mức giá đỉnh cao đã đạt được là gần 70.000 đồng/CP, sau đó lại sụt giảm không phanh. Vì thế, khi thị trường bắt đầu hồi phục, vào cuối năm 2014 anh liều mua vào KSS với giá xoay quanh mức 5.000 đồng/CP, nuôi hy vọng sẽ có sự hồi sinh mạnh mẽ, bất chấp việc KSS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ giữa năm 2015 do Chủ tịch HĐQT và kế toán trưởng bị khởi tố. Tuy nhiên, KSS đã không thể vượt qua khó khăn và tiếp tục suy giảm về giá, xuống mức quanh 1.000 đồng/CP khiến anh Hoàng thua đau, mất gần 80% số tiền đã bỏ ra.

Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank - KimEng, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy số NĐT cá nhân đi theo những “CP trà đá” có được lợi nhuận thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thông thường, các CP có giá quá thấp do bị kinh doanh thua lỗ liên tục hoặc có những vấn đề nghiêm trọng khác như KSS thì khả năng xoay chuyển tình thế cần phải có nhiều thời gian. Hơn nữa, các CP này luôn bị kiểm soát hoặc đối diện với án hủy niêm yết thì khả năng bị mất thanh khoản cao. Khi đó, nếu không thoát hàng kịp, NĐT sẽ ngậm ngùi ôm CP mà không biết khi nào mới thu hồi được vốn”, bà Tuyền phân tích.

Theo Thảo Vy

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên