MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh giá lại GDP: Tránh để thước đo trở thành mục tiêu cho phát triển

Việc Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010-2017 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như ý kiến của giới chuyên gia. Tác động của vấn đề này trên cả hai mặt là có thật, nhưng điều đáng nói là khi chỉ số chính xác hơn, trung thực hơn sẽ thành công cụ hữu hiệu để các nhà hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý cho kinh tế đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Cần xây dựng niềm tin vào số liệu thống kê

Những con số thống kê về GDP, về tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội ở mọi ngành, mọi lĩnh vực vẫn được các cơ quan thống kê đưa ra hàng tháng, hàng quý, hàng năm, từ đó, sẽ đưa ra bức tranh tổng thể và cụ thể về tình hình đất nước cũng như địa phương. Những con số này luôn được các cơ quan thống kê khẳng định là được làm việc một cách trung thực, khách quan, độc lập. Nhưng rõ ràng, những hoài nghi của các chuyên gia về con số thống kê không phải không có, thậm chí đã có chuyên gia còn bày tỏ sự lo ngại khi con số thống kê của Việt Nam vẫn có sự sai khác so với con số thống kê của các tổ chức nước ngoài.

Nguyên nhân được lý giải là nằm ở cách thức sử dụng phương pháp luận, phương pháp tính ở mỗi tổ chức, mỗi quốc gia khác nhau. Nhưng khi công bố kết quả tính toán lại GDP giai đoạn 2010-2017 thì con số thống kê lại tăng lên tới 25,4% so với số liệu công bố trước đó. Điều này đã làm các chuyên gia băn khoăn về cách tính GDP liệu có chính xác, phù hợp, khách quan… như cơ quan thống kê cam kết. Bởi vào năm 2013, đánh giá lại GDP chỉ tăng 9% nhưng lần đánh giá năm nay đã tăng gần gấp ba lần.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, lâu nay, chất lượng dữ liệu thống kê GDP của Việt Nam còn một số điểm chưa đạt như chưa phản ánh hết được các hoạt động kinh tế chính thức, công bố sớm trước khi kỳ thống kê kết thúc trong khi việc chỉnh sửa sau đó không được công bố rộng rãi, không có khả năng kiểm tra chéo… Vì thế, việc điều chỉnh GDP phải đi kèm với các giải trình chi tiết, làm rõ sự khác biệt giữa hai chỉ số để tạo sự tin tưởng và giúp các cơ quan quản lý đưa ra chính sách phù hợp.

Nói về "bi kịch" trong thống kê tại Hy Lạp, ông Nguyễn Tiên Phong, trợ lý Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, sự thiếu "chính trực" trong số liệu thống kê chính thức đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp. Các chính khách thường xuyên can thiệp vào việc báo cáo thống kê giai đoạn 1997-2009, báo cáo sai lệch làm giảm tỷ lệ nợ/GDP và mức thâm hụt ngân sách. Vì thế, ông Nguyễn Tiến Phong cho rằng, cần xây dựng niềm tin vào số liệu thống kê, tránh việc coi các số liệu thống kê là mục tiêu phải đạt được, bởi ""khi một thước đo trở thành mục tiêu, nó không còn là thước đo tốt nữa".

Trước không ít hoài nghi của các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan thống kê quốc gia vẫn liên tục khẳng định việc đánh giá lại được thực hiện trung thực, khách quan, "không phải gửi ai duyệt trước" và sẽ công bố công khai, rộng rãi. Việc GDP tăng lên hơn 25% là do nhiều nhóm nguyên nhân, trong đó đáng "ngạc nhiên" nhất phải kể đến việc bổ sung hơn 76 nghìn doanh nghiệp, có cả những doanh nghiệp rất lớn. Vì thế, báo chí đã trích dẫn rất nhiều câu trả lời của một chuyên gia kinh tế khá nổi tiếng là ông "sốc" với GDP được tính lại không phải vì con số tăng thêm mà vì cách giải trình. Tuy nhiên, tính lại GDP tăng lên ít hay nhiều đều đã được nhiều quốc gia phát triển thực hiện, Việt Nam không thể là ngoại lệ nên phải chấp nhận khi những con số này được công bố.

Tác động lớn

Mặc dù còn có những ý kiến trái chiều về cách tính lại GDP, nhưng điều đáng quan tâm hơn cả trong lúc này phải là những tác động trực tiếp tới nền kinh tế, tới chính sách điều hành dù GDP tính lại tăng lên hay giảm xuống.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, việc đánh giá lại GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Nhưng sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có thể dẫn tới khả năng mở rộng dư địa thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và đi vay của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế và phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi pháp luật nên khả năng tác động tới mở rộng dư địa cho thu ngân sách và chi tiêu là thấp.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết, GDP tăng thêm sẽ làm tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ của các chỉ tiêu tài chính công gắn với GDP, "vô hiệu hóa" các ngưỡng trần giám sát bởi Quốc hội. Cụ thể là tỷ lệ nợ công/ GDP giảm từ 56,1% xuống còn 44,7%; nợ chính phủ/GDP giảm từ 49,2% xuống còn 39,2%; nợ nước ngoài/GDP giảm từ 45,8% xuống còn 36,5%; thâm hụt ngân sách/GDP giảm từ 3,6% xuống còn 2,9%.

Nhưng theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long, GDP tăng lên gây sự lo ngại khi nguồn thu không đổi, dư địa chi tiêu, vay nợ sẽ nới rộng. Đặc biệt, kết quả này không có ý nghĩa nhiều với quá khứ và hiện tại, bởi những số liệu này đã diễn ra trong quá khứ, nền kinh tế đã diễn ra như vậy thôi, trong khi những yếu tố tác động đến tương lai mới là điều cần quan tâm và đáng quan ngại. Hơn nữa, việc tính lại nền kinh tế phải đi kèm với việc điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP, nên sẽ thay đổi các chỉ tiêu này theo hướng tích cực hơn. Tuy vậy, vấn đề này vẫn mang tính hai mặt, nếu chi tiêu và đầu tư hiệu quả thì nền kinh tế hưởng lợi; nhưng ngược lại thì sẽ là gánh nặng lớn với nền kinh tế. Hơn nữa, cũng theo vị chuyên gia này, sẽ là rủi ro nếu Quốc hội giữ nguyên các chỉ tiêu phát triển kinh tế cũ trên nền tảng GDP mới.

Dù có những tác động như trên nhưng việc đánh giá lại GDP vẫn được coi là cần thiết, nhất là trong bối cảnh vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác đánh giá thống kê trước đây. Hơn nữa, PGS.TS. Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, số liệu thống kê của Việt Nam vẫn còn nhiều sai lệch do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng GDP là thước đo tăng trưởng kinh tế nên cần được nghiên cứu khách quan để vận dụng phù hợp khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy, những hoạt động liên quan đến kinh tế vĩ mô, nhất là những số liệu, dữ liệu liên quan đến công tác hoạch định chính sách luôn cần được thực hiện một cách cẩn trọng, hợp lý, phù hợp để không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu được sự phát triển của đất nước mà còn giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đưa ra những quyết định, chính sách phù hợp, sát với thực tế. Trách nhiệm này đang được đặt lên vai những người làm công tác thống kê, do đó, điều cần thiết là họ cần được hỗ trợ bằng những công cụ hiện đại, nhưng phải được làm việc một cách khách quan, không chịu những tác động hay áp lực mang tư tưởng chủ quan, bởi nếu không sẽ có những tác động không tốt tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo Hương Dịu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên