MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời”

03-02-2020 - 07:18 AM | Sống

“Việt Nam chính là tương lai của tôi. Tôi muốn sống ở đây mãi mãi” – Stella Ciorra – Phó chủ tịch Hội những người bạn di sản Việt Nam tâm sự.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 1.

Stelle Ciorra hẹn gặp phóng viên báo Trí Thức Trẻ ở một quán cóc nhỏ ven bờ hồ Tây, gần nơi chị đang sống với một gia đình 3 thế hệ người Việt. Chị gọi một chai Bia Hà Nội, thức uống chị rất yêu thích và bắt đầu câu chuyện. 

Ngay từ cuộc gọi đầu tiên, Stella bày tỏ mong muốn được trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt, dù chị vẫn còn gặp khó khăn trong cách diễn đạt và nói rất chậm. Màn hình laptop của người phụ nữ này là lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. 

Chị cười và nhắc đi nhắc lại: “Ước mơ lớn nhất đời tôi là sống ở đây, mãi mãi”.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 2.

- 25 năm trước, khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam, điều gì khiến chị thấy ấn tượng nhất?

- Tôi biết tới Việt Nam qua những bộ phim về chiến tranh nhưng chưa hiểu nhiều về mảnh đất này. Tôi thực sư tò mò và muốn tới Việt Nam. Năm 1995, Việt Nam chưa có nhiều khách du lịch, kể cả tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mọi người ở đây, từ thành phố đến nông thôn, đều rất tò mò, thích thú và chào đón khi nhìn thấy người nước ngoài. Tôi cảm thấy rất ấm áp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi du lịch bụi.

Đối với tôi, con người luôn là điều ấn tượng nhất. Tôi tin rằng chính con người tạo nên sự khác biệt, làm nên tinh thần và hình ảnh của mỗi quốc gia. Lần đầu tới, tôi đã thấy người Việt Nam luôn muốn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất, dù trong hoàn cảnh khó khăn. Và bây giờ vẫn vậy. Đó là điều mà tôi không thấy rõ ở nơi mình sinh ra.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 3.

- Kỷ niệm nào trong chuyến đi đó khiến chị nhớ mãi?

- Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên tôi ghé thăm, thành ra có rất nhiều điều mới mẻ. Mảnh đất này lúc đó rất khác so với bây giờ, còn nhiều hoang sơ. Tôi nghĩ mình giống như người đi khám phá.

Tôi không bao giờ quên khi ghé thăm Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Gần như chưa có khách du lịch. Xe buýt phải dừng lại trước một cái hố lớn trên con đường lầy lội. Sau đó, tôi phải đi xe ôm để tới điểm đến. Đó là lần đầu tiên tôi ngồi trên xe máy ở Việt Nam và cũng là lần thứ hai trong đời.

- Từ khi nào, chị quyết định sẽ gắn bó với Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là khách du lịch?

- Ngay khi lên máy bay về Anh sau chuyến đi. Khi ấy, tôi nhận ra mình không muốn rời Việt Nam. Hơn cả một kì nghỉ tuyệt vời, nơi đây là một đất nước thú vị với con người đáng mến. Tôi về Anh và 6 tháng sau đó, tất cả những gì tôi nghĩ tới là Việt Nam.

Mỗi ngày khi thức dậy tôi đều muốn chạy tới sân bay để tới Việt Nam. Khi tiếng chuông báo thức reo lên, tôi đã nghĩ, đó chính là tiếng chuông đánh thức bản thân nhanh chóng quay trở lại mảnh đất này.

Tôi nói với gia đình và bạn bè là tôi muốn sống ở Việt Nam. Mẹ tôi cảnh báo, sống ở một đất nước mới rất khác với đi du lịch. Tôi hiểu điều đó nhưng cũng biết rằng, đó thực sự là những gì bản thân muốn. Tôi không muốn có cảm giác là một người đi du lịch ở Việt Nam.

Sau đó, tôi đã chọn Hà Nội là nhà vì có nhiều người bạn ở đây. Tôi sống, làm việc, đi chơi với bạn bè hằng ngày và trở thành một phần trong cuộc sống của họ.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 4.

- Mẹ chị khi ấy đã phản ứng thế nào?

- Ồ, bà rất háo hức. Mẹ nói rằng sẽ rất nhớ tôi nhưng tôn trọng quyết định của con gái. Mẹ tôi cũng rất thích khám phá. Bà luôn tiếc nuối vì đã không chuyển tới Australia để sinh sống và bỏ lỡ giấc mơ của mình. Vì vậy, mẹ muốn ước mơ được sống tại Việt Nam của tôi thành hiện thực.

Giờ đây bà ghé thăm tôi mỗi năm hai tháng. Mẹ biết tất cả những người bạn Việt Nam và rất tự hào về cuộc sống của tôi ở nơi đây.

Tôi cũng nhận được sự ủng hộ của bạn bè. Họ rất háo hức, xen chút ghen tị và vẫn luôn nói rằng tôi thật dũng cảm.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 5.

- Khi mới sinh sống và làm việc ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất của chị là gì?

- Mọi thứ đều mới mẻ nhưng tôi không nghĩ có điều gì quá khó khăn. Có chăng chỉ là ngôn ngữ. Lúc đầu, tôi không biết nói tiếng Việt. Hồi đó, cũng không có nhiều người nói tiếng Anh như bây giờ.

Từ 2015 đến nay, tôi thuê chung nhà với một gia đình người Việt Nam 3 thế hệ. Tôi và họ là một gia đình lớn, gồm hai cặp vợ chồng, mẹ của họ, ba đứa trẻ, hai con mèo và tôi.

Giờ đây, tôi có rất rất rất nhiều niềm vui. Tôi vui khi nói được tiếng Việt dù không tốt lắm, vui khi có nhiều người bạn tuyệt vời.

Nhiều người hỏi tôi về sự thích nghi với giao thông và thời tiết khác biệt. Tôi thấy giao thông chưa tốt lắm vì có quá nhiều xe cộ nhưng không có vấn đề gì cả. Đó là một phần của Việt Nam.

Vấn đề có lẽ là cái nóng của mùa hè Hà Nội vì trời nóng ẩm. Tôi không nghĩ là mình có thể quen được. Vì vậy, tôi hay về Anh vào thời điểm này để thăm gia đình.

- Chị đã khắc phục vấn đề ngôn ngữ thế nào?

- Tôi quyết định học tiếng Việt từ năm 1996, khi còn đang ở Anh. Một tuần hai giờ trong suốt một năm vào tối thứ 2 hàng tuần.

Khi tới Việt Nam, tôi cố gắng luyện tập tiếng Việt và kết bạn. Tôi viết tiếng Việt ra giấy để giao tiếp với họ và tự học thêm.

Điều dễ nhất với tôi là dịch từ văn bản viết tiếng Việt sang tiếng Anh. Điều khó nhất với là nghe người Việt Nam nói tiếng Việt. Mọi người nói được khoảng 20 câu, tôi mới hiểu xong được 1 câu.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 6.

- Suốt quãng thời gian hòa nhập ấy, có bao giờ chị muốn trở lại nước Anh?

- Không bao giờ. Trái tim tôi đã ở Hà Nội. Sự kết nối của tôi với người Việt mạnh mẽ vô cùng. Tôi có những người bạn thực sự.

Người trẻ Việt rất tôn trọng người già và sẵn sàng giúp đỡ. Thậm chí, gia đình mà tôi đang sống cùng đã nói rằng, họ sẽ chăm sóc tôi khi về già. Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.

Ở đây, tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn. Rất nhiều người Việt Nam không hiểu tại sao tôi rời nước Anh và muốn sống ở đây đến suốt đời. Và tôi cũng không hiểu tại sao luôn (cười lớn).

Thật ra cuộc sống của tôi ở Anh trước đây rất tốt, cho tới khi tới Việt Nam. Tôi có cảm giác thực sự kỳ lạ và gắn kết với mảnh đất và con người nơi đây. Nhiều người muốn đến Việt Nam vì sẽ có cuộc sống tốt hơn ở đây với mức thu nhập của họ, nhưng tôi thì không.

- Thu nhập ở Việt Nam có giúp chị có một cuộc sống tốt hơn không?

- Nếu chỉ duy trì công việc ở Việt Nam như hiện tại, có lẽ là vừa đủ sống. Tuy nhiên, tôi làm thêm một công việc từ xa ở nước ngoài nên có điều kiện sống thoải mái hơn một chút.

Tôi yêu thích công việc ở Việt Nam hiện tại vì nó không chiếm hết toàn bộ thời gian. Quỹ còn lại tôi sẽ dành để tìm hiểu về văn hoá và con người nơi đây. Tôi theo đuổi lối sống đơn giản và không mua sắm nhiều nên mọi thứ rất dễ chịu.

- Sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, chị cảm thấy điều hài lòng nhất về bản thân là gì?

- Tôi dũng cảm hơn, tự tin hơn nhiều so với khi mới tới Việt Nam. Sự tự tin đó đến từ hội Những người bạn của di sản Việt Nam.

Khi chuyển tới một đất nước mới, khá là khó để có những bạn thực sự vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Kết bạn tại Việt Nam rất dễ, nhưng để duy trì tình bạn thì khó hơn nhiều. Tôi tự hào vì giữ được tình bạn tốt với hai người bạn Việt Nam, dù từng làm họ thất vọng vì hiểu nhầm trong văn hóa và ngôn ngữ.

Thật kì lạ là ở Anh, tôi không thích nói chuyện với mọi người. Tôi thích ở một mình. Nhưng nhiều năm qua ở Hà Nội, tôi sống cùng rất nhiều người trong cùng một căn nhà. Mẹ tôi cũng thấy khó hiểu. Còn tôi thì thấy hạnh phúc vô cùng.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 7.

- Nhắc tới Hội những người bạn di sản Việt Nam (FVH), điều gì đã đưa chị tới và trở thành Phó chủ tịch?

- FVH đã được thành lập cách đây hơn 20 năm, vào tháng 10/1999 bởi một nhóm người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Vì muốn hiểu hơn về văn hóa về truyền thống của Việt Nam, họ đã hợp tác với những học giả hàng đầu trong nước và FVH được thành lập.

Dù tới Hà Nội từ năm 1995 nhưng phải rất lâu sau tôi mới biết tới FVH và gia nhập hội với tư cách là một thành viên bình thường. Hiện tại, với vai trò Phó chủ tịch, tôi hỗ trợ John - Chủ tịch ủy ban - và ra quyết định, sát sao công việc khi Chủ tịch vắng mặt.

Ngoài ra, trách nhiệm của tôi là đối chiếu chương trình hàng tháng, cập nhật lịch và phát hành thư. Tôi cố gắng tham dự hầu hết các sự kiện vì nghĩ điều quan trọng là có sự hiện diện của Ủy ban tại mỗi sự kiện.

Tôi yêu thích cơ hội hợp tác với các nghệ nhân ở nhiều làng nghề truyền thống, giúp quảng bá nghề của họ đến với nhiều đối tượng hơn và góp phần duy trì các ngành nghề truyền thống quan trọng của Việt Nam.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 8.

- Vì sao chị lại chọn Việt Nam chứ không phải là bất cứ một nước Đông Nam Á nào khác để tìm hiểu văn hóa?

- Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi thường tự hỏi mình, nếu thay vì đến Việt Nam bằng đến Ấn Độ, Campuchia, Lào… thì tôi có chọn một trong những quốc gia đó làm nhà của mình không. Tôi cũng tự hỏi mình rằng nếu lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 2020 thì liệu tôi có yêu nó nhiều như năm 1995 không?

Có một sự thật thú vị rằng tôi mang trong mình một nửa dòng máu người Ý vì bố tôi là người nước này. Văn hóa Ý và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, gần gũi hơn nhiều so với người Anh và người Việt.

Ở Ý, tầm quan trọng của gia đình, trẻ em, truyền thống của các ngôi làng được đề cao. Mọi người cùng ngồi quây quần quanh mâm cơm. Những con đường cũng hỗn loạn và ồn ào. Có lẽ tôi cảm thấy gần gũi với đất nước Việt Nam thông qua một nửa dòng máu ý chảy trong người.

Đối với văn hóa Việt Nam, tôi yêu cách truyền thống ăn sâu vào xã hội, con người. Ngay cả khi Việt Nam hiện đại hóa, những truyền thống cũ vẫn là kim chỉ nam của đất nước. Bạn có thể thấy được điều đó thông qua tầm quan trọng của lịch âm.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 9.

- Khi nghiên cứu sâu, chị hiểu thêm những gì nét tốt đẹp gì trong văn hóa và con người Việt?

- Càng tìm hiểu tôi càng đặt ra nhiều câu hỏi. Có những thứ chuyên sâu đến mức tôi sẽ không bao giờ thực sự hiểu. Nhưng tôi càng đánh giá cao tính cách đặc biệt của người Việt Nam. Giá trị gia đình rất quan trọng và giữ cho các truyền thống tồn tại tạo nên một quốc gia đặc biệt. Nếu mất đi truyền thống văn hóa, Việt Nam sẽ bị hòa tan trong bất kỳ quốc gia châu Á nào.

Trong FVH, chúng tôi tạo ra các chuyến tham quan tuyệt vời, đưa ra ý tưởng cho các bài giảng và sự kiện, lên kế hoạch và tạo ra các chuyến du ngoạn. Chúng tôi mong muốn giới thiệu những điều mới lạ, ngạc nhiên cho các thành viên – bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam.

“Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời” - Ảnh 10.

- Chị đánh giá thế nào về sự hiểu biết, nghiên cứu, ý thức bảo tồn và truyền bá văn hóa của giới trẻ Việt hiện nay?

- Tôi thấy hiểu biết của các bạn trẻ Việt Nam về việc bảo tồn và truyền bá văn hoá ngày càng tốt hơn. Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia và cống hiến cho FVH. Tôi nghĩ là họ hiểu được tầm quan trọng của văn hoá. Độ khoảng 10 năm trước, tôi không thấy rõ điều này.

Gần đây, trong những hoạt động của FVH, có sự tham gia của nhiều gia đình Việt Nam. Những thế hệ người Việt Nam về sau đang quan tâm nhiều hơn về việc bảo tồn và giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ. Tôi tự hào về điều này.

Có thể là các bạn trẻ chưa biết nhiều về văn hóa nhưng tôi thấy mong muốn học hỏi của họ rất lớn. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tìm hiểu những thông tin có giá trị để đưa vào các tour đi bộ để người tham gia có thể hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá.

Mỗi tuần một lần, tôi gặp nhà nghiên cứu về văn hoá Hà Nội - Nguyễn Việt Dũng. Ông ấy có rất nhiều sách để tôi có thể học về văn hoá Hà Nội. Đó là cách tôi tìm những thông tin hữu ích cho các hoạt động của FVH.

- Sau nhiều năm gắn bó với Việt Nam và FVH, ước mơ của chị trong thời gian tới là gì?

- Sống ở đây, mãi mãi. Việt Nam chính là tương lai của tôi. Tôi muốn sống ở đây đến hết cuộc đời. Cũng như luôn luôn là một phần trong cuộc sống của những người bạn của tôi và FVH. Tôi còn một mong muốn khác nữa là cho dù Việt nam phát triển đến đâu, mọi người vẫn giữ được những nét văn hoá. Đó là điều khiến Việt Nam trở nên đặc biệt và độc đáo trong mắt bạn bè quốc tế.

Có một điều đặc biệt là năm nay sẽ là năm đầu tiên tôi ăn Tết ở Việt Nam. 24 năm qua, tôi chưa từng có một cái Tết trọn vẹn với nơi đây. Khoảng thời gian đó, tôi thường phải hoàn thiện công việc ở nước ngoài.

Năm nay, tôi quyết định sẽ gác lại tất cả để ăn Tết âm đúng nghĩa như một người Việt. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để tôi khám phá bởi những ngày này, thủ đô sẽ vắng vẻ hơn ngày thường. Cảm giác gần hơn với Hà Nội mà tôi biết trong lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn thực sự yêu, rất yêu nơi này.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.


Hồng Đăng
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 3/2/2020

Hồng Đăng

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên