MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh tính "bí ẩn" của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam

Danh tính "bí ẩn" của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam

Trước con số rất lớn mà Millenium đề xuất đầu tư vào lĩnh vực điện khí tại Việt Nam, nhiều người cũng nghi ngờ danh tính của công ty này, khi lịch sử giai đoạn nóng trước đây đã có nhiều đơn vị xưng danh nước ngoài, hứa hẹn những khoản đầu tư khổng lồ rồi biến mất. Vậy, đại gia này là ai?

Tập đoàn Dầu khí Millennium xin đầu tư 38 tỷ USD vào các siêu dự án điện khí tại Việt Nam

Ngày 21/4/2021, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết lãnh đạo Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ) đề xuất với UBND tỉnh cho phép được nghiên cứu, đầu tư dự án điện khí 9.600MW tại Sóc Trăng với vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD.

Trước đó, tháng 7/2020, Công ty này cũng muốn đầu tư dự án tương tự là nhà máy điện và kho cảng chứa khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Kế hoạch mà Millenium đưa ra là tổng mức đầu tư ban đầu 8 tỷ USD được chi cho dự án trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800MW). Trong tương lai, công ty sẽ nâng công suất nhà máy điện lên 9.600MW và kho chứa cũng tăng lên 15 triệu m3 với mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD.

"Nếu UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho phép đầu tư, dự án sẽ được chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh và tiến hành làm việc cấp nhà nước với chính phủ Việt Nam để triển khai đầu tư. Toàn bộ khí sẽ được nhập khẩu", ông Sam Chan, Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam cho hay.

 Danh tính bí ẩn của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tập đoàn Millennium để xuất siêu dự án điện khí hóa lỏng 15 tỷ USD ở Nam Vân Phong, Khánh Hòa

Đầu tháng 6/2020, Công ty Millennium cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa với mong muốn đầu tư dự án trung tâm điện – khí LNG Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD bằng hình thức đầu tư trực tiếp: Xây dựng – Sở hữu – Vận hành.

Trong đó, công suất nhà máy điện là 4.800 MW, giai đoạn 1 là 2.400MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD; công suất kho cảng 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Công ty dự kiến đưa giai đoạn 1 vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau 2030.

 Danh tính bí ẩn của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millenium – trong buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến năm 2020.

"Đại gia" Millenium là ai?

Trước khoản đề xuất đầu tư rất lớn như trên, trên mạng xã hội xuất hiện nghi vấn về danh tính của Millennium. Điều này xuất phát từ lịch sử trước đây, từng có nhiều tập đoàn xưng danh từ nước ngoài, tuyên bố những khoản đầu tư khổng lồ vào Việt Nam nhưng rồi đã biến mất không tăm tích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam được giới thiệu là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium, Mỹ và có giấy phép kinh doanh: 0109559886, địa chỉ đăng ký tại Phòng 603, Tòa nhà Trung tâm, 31 Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp chỉ mới hoạt động từ ngày 19/03/2021.

Lĩnh vực hoạt động của công ty này là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan và tư vấn quản lý. Người đại diện pháp luật là ông Chi Kei Sam Chan.

Tên ông Sam Chan trên Linkedin có xuất hiện một tài khoản là Sam Chan nắm chức vụ Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Millennium Printing International Limited – một doanh nghiệp có trụ ở tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.

 Danh tính bí ẩn của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam - Ảnh 3.

Thông tin về người có tên Sam Chan trên Linkedin

Theo lời tự giới thiệu của công ty trong những buổi làm việc, Tập đoàn Dầu khí Millennium có 35 năm kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án điện từ khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng, gió, mặt trời, địa nhiệt và chất thải.

Tìm hiểu của chúng tôi trên website https://millennium.energy/ của Tập đoàn này thì trong 10 năm qua, Millennium đã thực hiện các dự án điện ở Mỹ và các quốc gia trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ USD. Tập đoàn này cũng dành 20 tỷ USD cho các dự án đang được lập kế hoạch.

Trong năm 2018, Millennium đã thực hiện Dự án hóa lỏng Corpus Christi trị giá 15 tỷ USD; dự án 10 tỷ USD tại Portland, Texas khai thác khí etan MTPA, poly-ethylene và ethylene glycol.

Một số dự án khác được doanh nghiệp thống kê như Trạm phát điện Kiamichi 1.220 MW - Nhà máy điện chu trình hỗn hợp 2 x (2x 1) GE 7FA-750 triệu đô la ở Kiowa, Oklahoma; Trạm phát điện trung tâm Alabama 885 MW - Trạm điện chu trình hỗn hợp 3 x 1 GE 7FA ở Billingsley, Alabama; Nhà máy điện Boroa 785 MW - Nhà máy điện chu trình hỗn hợp 2 x 1 GE 9FA ở Amorebieta, Tây Ban Nha...

Giữ vị trí Chủ tịch của Millennium là Tiến sỹ Carlos Coe - người có 35 năm kinh nghiệm điều hành tại Anthony Intentional, Whirlpool Corporation, BDM International, và liên doanh giữa Ford Aerospace và Tracor để thương mại hóa công nghệ pin.

CEO là ông Jarl Pedersen cũng là một người có hơn 35 năm kinh nghiệm trong ngành và từng đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo với Shell Energy North America liên quan đến các công ty liên doanh và phát triển dự án chung. Ông sống và làm việc ở Châu Âu và Châu Mỹ, phát triển danh mục nhà máy điện khí tự nhiên trị giá 5 GW cũng như LNG và Cảng hàng hải liên quan đến Hợp tác Công tư tại cảng nước sâu lớn thứ ba ở Hoa Kỳ.

Ngoài Tập đoàn Dầu khí Millenium thì ExxonMobil đã đầu tư tổ hợp nhà máy điện khí hóa lỏng 5,09 tỷ USD; Delta Offshore Energy triển khai dự án điện khí 3.200 MW tại Bạc Liêu. Hay mới đây, nhóm nhà đầu tư đến từ Mỹ xin được triển khai dự án năng lượng trị giá 6 tỷ USD.

Trong đó, dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC, hiện đang bị chậm tiến độ và chưa thể triển khai đúng như dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, đưa tổ máy số 1 vào hoạt động vào đầu năm 2024.

Dự án đang gặp khó về việc đàm phán giá điện và đường tải điện và một số vấn đề kỹ thuật như hạ tầng cấp nước ngọt chưa đảm bảo; nguồn nguyên liệu san lấp mặt bằng và nguyên vật liệu chính phục vụ thi công xây dựng nhà máy…

 Danh tính bí ẩn của Tập đoàn Mỹ xin đầu tư 38 tỷ USD vào 3 siêu dự án điện khí tại Việt Nam - Ảnh 4.

Phác thảo dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. Đồ họa: LNG Limited

Theo Hải Yến

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên