MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đạo diễn Việt Tú: Thuyết phục nhà đầu tư "xuống tiền" hàng trăm tỷ không phải chuyện năm nay nghĩ, năm sau làm được luôn!

25-12-2018 - 09:00 AM | Sống

Đạo diễn Việt Tú là một trong số ít nghệ sĩ đương đại đầu tiên ở Việt Nam làm kinh doanh nghệ thuật, với tư tưởng quản trị tân tiến và trên cơ sở hệ thống. Anh chia sẻ, khi làm việc với doanh nghiệp, cần nói được "ngôn ngữ" của người làm kinh doanh, chứ không thể vin vào đặc thù nghệ sĩ là "bay bổng" để làm việc theo kiểu nghệ sĩ, như xã hội vẫn thường mặc định.

Ngành nào cũng cần quản trị, nghệ thuật cũng vậy

- Từ ý tưởng nào mà anh quyết định làm về kinh doanh nghệ thuật, trong khi ở thời điểm đó, định nghĩ này còn khá mới mẻ và lạ lẫm?

- Thực ra bộ môn tôi học thời gian ở Mỹ không phải về nghệ thuật mà là về quản trị nghệ thuật. Lúc ấy, mọi thứ vẫn còn mơ hồ. Tôi từng làm việc ở Việt Nam, có điều kiện va chạm ở những chương trình có quy mô nhưng vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó. Rồi tôi phát hiện ra, mình chỉ làm nhỏ lẻ như người thợ thủ công, không mang tính hệ thống. Nước Mỹ dạy tôi một điều, người nghệ sĩ muốn phát triển phải đặt mình trên một hệ thống nào đó chứ không thể cả đời làm những sự kiện mang tính chất nhỏ lẻ, kiểu "bào chất xám ra mà ăn". Chính vì vậy, tôi quyết định đi học vì 2 lý do. Một là đi tìm con đường phát triển sự nghiệp. Hai là vì thành phố New York là trung tâm của mọi loại hình kinh doanh chứ không phải chỉ đơn thuần làm nghệ thuật. Quyết định đó là bước ngoặt dẫn đến công việc ở thời điểm hiện tại, một sự chuẩn bị mang tính đón đầu.

- Quản trị nghệ thuật là một khái niệm mới mẻ. Anh có thể chia sẻ thêm?

- Nó chỉ mới mẻ ở ta và bây giờ người ta mới bắt đầu manh nha nói đến nó. Do các quan điểm xưa cũ, nên bản thân chính người làm nghệ thuật cũng quan niệm rằng ai tìm cách quản trị nghệ thuật thì đấy không phải nghệ thuật, là khô khan, thậm chí là "con buôn". Điều này tạo ra sự mặc định của xã hội về giới nghệ thuật. Thực ra không riêng gì nghệ thuật, ngành nào cũng cần quản trị, hệ thống. Tất cả mọi thứ đều cần đặt trong nền công nghiệp, bài bản mới phát triển được. Đó chính là lý do tôi đi học quản trị nghệ thuật từ rất sớm. Trong công việc, tôi đề cao tính khoa học và xấu hổ khi đi đâu mọi người bảo "Nghệ sĩ mà, thôi bỏ qua".

Đạo diễn Việt Tú: Thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền hàng trăm tỷ không phải chuyện năm nay nghĩ, năm sau làm được luôn! - Ảnh 1.

- Khi học xong và trở về Việt Nam làm việc, anh gặp khó khăn ra sao khi môi trường đã quá quen với "nếp cũ"?

- Lúc đó, tôi không chỉ gặp khó khăn với riêng nghệ sĩ mà với cả một mặt bằng về nhân sự xung quanh. Ở thời điểm đó, mọi người không tôn trọng kế hoạch, hành động cảm tính, thường xuyên muộn giờ, tạo ra hiệu ứng domino dẫn tới lãng phí thời gian, tiền bạc kinh khủng. Lúc ngồi nói chuyện với nhau thì rất hay, rất bài bản nhưng khi làm việc thì ngược lại. Thích làm điều to lớn, nhưng không tôn trọng những chi tiết nhỏ thì sao có thể làm được gì? Chính vì vậy, ở Việt Nam những người nghệ sĩ mong muốn được làm việc trong một nền công nghiệp nghệ thuật bài bản, khoa học còn rất cô độc. Mà khi cô độc, thì điều đúng cũng thành sai vì số đông lấn át. Nó giống như bạn đi đúng luật giao thông ngoài đường ấy, đi đúng thì bị tai nạn chết người.

- Tới thời điểm này, sau một thời gian anh áp dụng quản trị nghệ thuật, mọi thứ có tốt dần lên không?

- Tôi nghĩ mình không thể thay đổi mọi thứ một mình trong thời gian ngắn, vì vậy, để lấy ngắn nuôi dài thì sống ở đâu thì phải theo văn hóa luật chơi ở đó, nếu không thì sẽ tự mình loại mình ra khỏi cuộc chơi. Điều quan trọng không được ẩu, không được đánh mất phẩm chất. Tôi tìm ra những thứ để thay đổi và tạo sự khác biệt cho chính mình và công ty mình trước, khi mình thành công với điều đó, thị trường sẽ phải cập nhật theo mình, vì rõ ràng họ thấy điều đó có lợi.

Ở công ty của tôi, tất cả mọi nhân viên đều được huấn luyện quy trình, giấy tờ hợp đồng, tính pháp lý, các phương pháp loại trừ rủi ro. Người cũ huấn luyện người mới, và sau mỗi chương trình là rà soát lại xem chưa hoàn thiện ở đâu như một doanh nghiệp vậy. Còn về hợp đồng, nhiều người làm việc với tôi đều nói: "Sao để ý kĩ giấy tờ thế, sửa kĩ quá, kí đi, làm đi, hổng đâu tính đấy" nhưng tôi nghĩ khác, hợp đồng như khóa cửa vậy. Và cái khóa đó dùng để khóa người ngay chứ không phải kẻ gian. Khi hợp đồng chưa vững thì chưa nên làm gì vì tạo ra rủi ro lớn nhất là cho mình. Đây cũng là một thứ khá mâu thuẫn trong quan niệm của xã hội về người nghệ sĩ, một mặt cho rằng hạn chế của nghệ sĩ là bay bổng không kỹ càng, nhưng một mặt thì lại cho rằng nghệ sĩ thì tại sao lại phải kỹ càng về hợp đồng như vậy?

- Việc "chắc chắn" trong hợp đồng làm ăn kinh doanh như vậy có mang lại hiệu quả hơn so với thời "bào ra mà ăn" trước đây?

Tất nhiên. Con số thống kê không bao giờ biết nói dối, hiện tại cá nhân và công ty của tôi đang là tác giả của vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. "Thủa ấy xứ Đoài" và "Chùa Hương Xưa – Nam" chiếm 2 trong số 3 vở diễn thực cảnh đang khai thác tại Việt Nam và một vở diễn nhà hát với hơn 400 buổi diễn.

Làm nghệ thuật, muốn làm lớn thì không thể ăn xổi

- Nói về trình diễn thực cảnh, từ khóa này đang trở thành "trend" của các dự án nghệ thuật trong năm 2018, anh thuyết phục các nhà đầu tư thế nào khi họ đầu tư "cả trăm tỷ" cho anh làm các tác phẩm dạng này?

- Làm nghệ thuật, muốn làm lớn thì không thể ăn xổi. Không ai có thể tạo ra điều đó sau một đêm. Đó là kết quả của một quá trình dài, thách thức và cả đau đớn khi phải hi sinh nhiều thứ trong ngắn hạn, ví dụ các event, show diễn vốn mang lại lợi nhuận tức thì. Nhưng suy cho cùng thì điều đó là logic vì không ai trao một khoản đầu tư lớn vào một cá nhân chỉ có khả năng tạo ra những sự kiện vốn diễn ra đầy rẫy hàng ngày với một công thức na ná giống những người xung quanh. Trong sự hợp tác này, chúng ta có một mối quan hệ cộng sinh, nhà đầu tư chỉ đặt niềm tin vào bạn, thương hiệu của bạn khi họ thấy ở bạn những gì mang lại cho họ thông số an toàn ở mức cao nhất, tin rằng bạn đủ năng lực mang lại cho họ lợi nhuận mà họ mong muốn. Nếu làm được điều đó thì họ sẽ đầu tư cho bạn làm những thứ mà thị trường cho rằng là điều không tưởng. Nghệ thuật thế giới từ trước đến nay vốn vận hành theo cách này, về bản chất đó là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, nó logic tuyệt đối.

- Anh làm gì cho hết cả trăm tỉ đó?

- Thực ra kinh phí đó bao gồm cả tiền xây dựng hạ tầng cơ bản của vở diễn đó, để phục vụ cho hệ sinh thái nghệ thuật của tác phẩm ấy. Từ khán đài, hồ nhân tạo, phục dựng cảnh quan của cả một khu vực làng cổ Bắc Bộ với tỉ lệ 1/1… Riêng một nhà thủy đình nặng gần 10 tấn, từ dưới 10 mét nước chui lên đã ngốn mười mấy gần hai chục tỉ. Rồi mua một vạt rừng tre ở vùng núi phía Bắc đưa về trồng lại nhằm tạo ra cảm xúc thật tối đa cho người xem. Nhà đầu tư chấp nhận khoản đầu tư đó vì họ thấy được khoản lợi nhuận khi đầu tư. Các hạng mục này còn được tính khấu hao như một tài sản giá trị. Khi quyết định đầu tư, họ thấy ở tôi một con đường được hoạch định mang tính nhất quán, một sự phát triển có chiều sâu vào con người và hệ thống thông qua việc gần hai chục năm nay tôi và công ty luôn có mặt tại các thị trường giải trí năng động nhất thế giới, chúng tôi cũng có sản phẩm du lịch của riêng mình với nhà hát vở diễn Tứ phủ nằm trong top 3 show diễn văn hóa phải xem khi đến Hà Nội dành cho du khách.

Nghĩa là về cơ bản tôi và họ nói chung một "ngôn ngữ" của người làm kinh doanh, họ tin rằng nếu bạn có thể tiêu một số tiền chưa từng có tiền lệ tại thị trường để cho một tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn bạn sẽ trả lại được cho họ kết quả kinh doanh tương ứng.

Đạo diễn Việt Tú: Thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền hàng trăm tỷ không phải chuyện năm nay nghĩ, năm sau làm được luôn! - Ảnh 2.

Bạn không thể làm ăn với ai, thậm chí với doanh nghiệp nội địa nếu không tuân thủ luật pháp


- Chấp nhận mất hợp đồng nếu không chắc chắn về mặt pháp lý và lựa chọn việc làm ít để "chất", anh duy trì nguồn lực để duy trì vận hành của công ty thế nào?

- Thực ra công ty tôi chưa mất hợp đồng nào về vấn đề pháp lý, vấn đề bạn cần dành thời gian để nghiên cứu hợp đồng đó và các thỏa thuận cần đáp ứng được nghĩa vụ, quyền lợi của cả hai bên - bạn và nhà đầu tư. Điều này chắc chắn không thể vội vàng như khi thương lượng một hợp đồng sự kiện thông thường.

Về nguồn lực, điểm khác biệt lớn nhất của công ty tôi với phần còn lại là chúng tôi có thể tương thích với mọi hệ thống giá thành sản phẩm, và các danh mục công việc, từ cao cấp đến phổ thông. Và đây là một điểm khác biệt của công ty chúng tôi với phần còn lại. Tôi không lo về nguồn lực để vận hành công ty, thách thức là con đường và đích đến.

- Nhưng kể cả khi đã làm rất kỹ về tính pháp lý trước lúc ký hợp đồng thì anh vẫn còn khúc mắc với nhà đầu tư của dự án vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam "Thủa ấy xứ Đoài"?

- Không có gì là tuyệt đối cả, cần làm rõ rằng, kiện tụng chưa bao giờ là sự lựa chọn của tôi, và tôi lấy làm tiếc khi phải vướng vào bất kỳ tranh chấp pháp lý nào với chủ đầu tư của mình. Nếu được lựa chọn, chắc chắn thương lượng là một giải pháp tốt hơn nhiều cho cả hai bên nhưng tôi lại không phải là người có được quyền quyết định điều đó.

Trong vụ việc này, tôi cho rằng lỗi lớn đến từ chính nghệ sĩ và hành vi cố tình vi phạm bản quyền của người làm nghệ thuật. Có ít nhất 2 ê-kíp đồng nghiệp lớn của tôi trên thị trường, khi được nhà đầu tư mời tham gia dự án đó, họ đã từ chối vì lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp. Nếu ai cũng cư xử đàng hoàng như vậy, nhà đầu tư sẽ tự điều chỉnh hành vi. Nhưng với bạn đạo diễn trẻ đang dính vào rắc rối này, mặc dù đã được luật sư của tôi gửi trước thông tin về các khúc mắc hiện có của dự án nhưng dường như bạn ấy quyết thực hiện đến cùng việc "kiếm danh tiếng" thông qua hành động copy sáng tạo của tôi. Tại sao bạn ấy dám làm vậy, chỉ đơn giản bạn ấy nghĩ rằng có thể núp bóng quan hệ của nhà đầu tư để biến trắng thành đen.

Trước mắt hậu quả lớn nhất mà bạn ấy đang phải chịu là sự coi thường từ toàn bộ dân làm nghề, tiếp đến là các doanh nghiệp vì sẽ không ai muốn thuê một kẻ "copy" đi làm sự kiện cho họ họ cả.

- Anh dựa trên cơ sở nào mà tự tin như vậy?

- Đó chính là nhờ một hệ thống dữ liệu được thực hiện theo một quy trình bài bản, đúng luật từ ngày đầu tiên thực hiện hợp đồng, nếu bây giờ bạn cần tôi cho biết ngày thứ 200 của dự án tôi đang làm gì, tôi có thể cung cấp cho bạn. Ban đầu, khi vụ việc mới bắt đầu ai cũng nghĩ theo cách thông thường là "Chắc lại nghệ sĩ, hứng lên thì làm, chứ làm gì có giấy tờ gì". Đấy là định kiến của xã hội, và đó là điều mà tôi muốn thay đổi thông qua vụ kiện đặc biệt này, tôi cho rằng mình là người có sứ mệnh thay đổi điều đó. Không chỉ cho cá nhân mình mà còn là thay đổi cách nhìn của xã hội với nghệ sĩ cũng như chính các nghệ sĩ phải tự ý thức được những điều mình cần trang bị trước khi bước ra cuộc chơi toàn cầu.

Đạo diễn Việt Tú: Thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền hàng trăm tỷ không phải chuyện năm nay nghĩ, năm sau làm được luôn! - Ảnh 3.

- Việc hiểu biết pháp luật, quản trị nghệ thuật sẽ đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong việc phát triển sự nghiệp của người nghệ sĩ, trong bối cảnh sắp tới chúng ta sẽ cần chấp nhận một luật chơi toàn cầu thay vì chỉ là kiểu "trong nhà xuê xoa đóng cửa bảo nhau" nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như hiện tại?

Bạn không thể làm ăn với ai, thậm chí với doanh nghiệp nội địa nếu không tuân thủ luật pháp, thời đó đã qua rồi.

Tín hiệu đáng mừng là bây giờ rất nhiều bạn bè bắt đầu nhờ tôi tư vấn cho những hợp đồng mà họ có do lo ngại vướng phải những vấn đề tương tự, tôi cho rằng đó là những tín hiệu tích cực khi những người nghệ sĩ đã bắt đầu ghi nhận tầm quan trọng của tính pháp lý trong quá trình hiện thực hóa một tác phẩm nghệ thuật, và chỉ khi nào chúng ta hiểu tầm quan trọng của những vấn đề tưởng như không liên quan gì đến sáng tạo nghệ thuật như hệ thống, quản trị, quy trình, pháp lý thì lúc đó nghệ sĩ mới có những tác phẩm nghệ thuật thực sự lớn và được xã hội thực sự tôn trọng.

Hồng Đăng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên