MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đào tạo nghề nông thôn: Chi nghìn tỷ mỗi năm, nhiều khoản lãng phí

Từ năm 2010, mỗi năm Chính phủ chi hơn 1.000 tỷ đồng triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dù Đề án đạt hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khoản đầu tư lãng phí.

Cấp tiền rồi để đấy

Sáng 29/11, tổ chức Oxfam và Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) công bố báo cáo đánh giá về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Đề án 1956)”. Báo cáo được thực hiện qua khảo sát thực tế tại 7 tỉnh, gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh.

Đáng chú ý, báo cáo đưa ra hàm ý, việc đầu tư lớn cho các trung tâm dạy nghề (TTDN) ở tất cả các huyện là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực. Dù được ưu tiên đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng nhiều TTDN cấp huyện vẫn chưa đồng bộ, thiếu điện, nước, nhà ở cho học viên... Vì vậy, những trung tâm này mở được rất ít lớp học, thậm chí chưa mở lớp nào.

Điển hình như TTDN huyện Đà Bắc (Hòa Bình), tới hết tháng 5/2015 đã được ngân sách nhà nước đầu tư 12 tỷ đồng, nhưng thiếu nước, điện yếu, thiếu nhà ở cho học viên… Do đó, TTDN huyện Đà Bắc chưa tổ chức được lớp nghề ngắn hạn nào tại trụ sở trung tâm (tất cả các lớp mở được đều dạy nghề lưu động tại các xã). Tương tự, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Dạy nghề Ninh Phước (Ninh Thuận), giai đoạn 2010-2014, được đầu tư gần 20 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Tuy nhiên, tới nay trung tâm này chưa tổ chức được lớp dạy nghề nào tại trung tâm. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Dạy nghề Ninh Sơn (Ninh Thuận) trong giai đoạn 2010-2014 cũng được đầu tư gần 16,5 tỷ đồng. Trung tâm có 7 nghề được đầu tư thiết bị nhưng chưa sử dụng được, do không có giáo viên, giáo trình (như cơ khí, điện, điện tử, ô tô – xe máy…).

Còn tại TTDN huyện Đắkrông (Quảng Trị) đã được rót 14,5 tỷ đồng, xây xong trụ sở mới từ tháng 5/2014. Nhưng tới thời điểm khảo sát (tháng 4/2015), chưa tổ chức được lớp dạy nghề nào tại trung tâm, do thiếu thiết bị, giáo viên và người dân tộc thiểu số cũng không muốn đi học xa.

Đào tạo không phù hợp

Ngoài việc đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các TTDN cấp huyện nhưng kém hiệu quả, theo khảo sát của Oxfam, nhiều nghề được dạy không phù hợp. Cụ thể như dạy tin học cho người nghèo, người dân tộc thiểu số khi họ không có máy tính, không có Internet; hay dạy nghề xây dựng dân dụng, nhưng ở địa phương dân lại sống trong nhà gỗ, hoạt động xây dựng không có… Tại Đắk Nông, 32% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp là học tin học.

Đề án 1956 đặt mục tiêu giai đoạn 2011- 2015, tối thiểu 70% lao động sau học nghề có việc làm. Hầu hết các tỉnh mà Oxfam khảo sát đều báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu này, có tỉnh đạt gần 90% có việc làm. Tuy nhiên, đa số người học kiếm được việc làm là học trong nghề nông, vì họ đang làm nông nghiệp, học xong về vẫn làm nông nghiệp. Trong khi tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề phi nông nghiệp thấp (thổ cẩm, mây tre đan), do sản phẩm không có đầu ra. Vì vậy, người học nghề xong chủ yếu tự tạo việc làm cho mình. Không ngạc nhiên khi tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề thuộc hộ thoát nghèo chỉ chiếm 4-5%, có địa phương như Trà Vinh chỉ 0,5%, Quảng Trị chỉ 1%; số lao động sau học nghề có thu nhập khá cũng rất thấp, như Đắk Nông chỉ 0,7%, Hòa Bình 0,9%, Nghệ An 2,3%...

Theo kế hoạch đào tạo nghề nông thôn giai đoạn 2017-2020 được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho trên 900 nghìn lao động nông thôn, trên 80% có việc làm sau đào tạo. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1.750 tỷ đồng, trong đó cấp cho địa phương 1.702 tỷ đồng, giao cho Bộ NN&PTNT 48 tỷ đồng.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên