MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo nhà đầu tư: Cẩn trọng với đất nền Hoài Đức tăng giá ăn theo thông tin lên quận

14-09-2017 - 17:27 PM | Bất động sản

Một năm sau thông tin sẽ nâng cấp Hoài Đức lên quận, giá đất nền nhiều khu vực tại huyện Hoài Đức đã tăng mạnh.

Sôi động đất nền Hoài Đức

Cách đây hơn 1 năm, trong cuộc làm việc với huyện Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, huyện cần phải tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp lên quận vào năm 2020. Đây là tin mừng với người dân Hoài Đức, vì lên quận, cũng đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư mạnh mẽ, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cũng tốt hơn. Và đương nhiên, đi kèm với đó là sự tăng giá bất động sản.

Theo ghi nhận, kể từ năm 2016 đến nay giá nhà nhà đất tại nhiều khu vực của Hoài Đức bắt đầu rục rịch khi có thông tin sẽ lên quận. Hiện đã có một số nhà đầu tư đi tìm hiểu thu gom đất nền thổ cư và một số lô đất nền dự án tại một số khu vực như Song Phương, An Khánh, An Thượng …Động thái gom đất của giới đầu tư đã khiến giá mặt bằng chung đất Hoài Đức rục rịch tăng nhẹ.

Theo khảo sát đất xã An Khánh - An Thượng trong ngõ đang được giao dịch với giá 20 triệu đồng/m2, đất mặt đường lớn có nơi lên đến 30-40 triệu đồng/m2. Đất Vân Canh có giá từ 18-25 triệu đồng/m2 trong ngõ và 30 triệu đồng/m2 đất mặt đường lớn. Đặc biệt, đất dịch vụ ở Hoài Đức đang được chào bán khá sôi động. Giá đất dịch vụ tại Vân Canh dao động khoảng 13- 15 triệu đồng/m2, đất dịch vụ An khánh cũng có giá từ 11 triệu đồng/m2 đối với đất chưa có mặt bằng....

Một môi giới chuyên đất thổ cư Hoài Đức cho biết, hiện tại giá đất thổ cư tại nhiều khu vực tại Hoài Đức chỉ nhích nhẹ 2-3 triệu đồng/m2 so với cách đây 1 năm. Tuy nhiên, tại thị trấn trạm Trôi mặt đường quốc lộ 32 hay đất ngã tư Sơn Đồng những khu đất đẹp có giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/m2. Đất dịch vụ khu vực An Khánh cũng tăng gấp rưỡi so với cách đây 1 năm.


Địa giới quận Hoài Đức.

Địa giới quận Hoài Đức.

Bài học từ huyện Từ Liêm lên quận

Động thái gom đất của giới đầu tư cũng trước thông tin Hoài Đức lên quận hiện nay gợi cho nhiều người nhớ đến câu chuyện Từ Liêm lên quận cách đây 4 năm. Năm 2013, sau khi thông tin chia tách huyện Từ Liêm để thành lập hai quận mới được huyện và thành phố chính thức công bố thì giao dịch liên quan đến mua bán đất thổ cư, nhà xây sẵn hay nhà đất dự án vẫn không có nhiều biến động.

"Thị trường dường như không phản ứng với thông tin Từ Liêm lên quận” là nhận xét của nhiều nhà đầu tư thời bấy giờ. Sở dĩ có việc này là bởi việc Hà Nội quyết định lập hai quận mới không phải là thông tin mới, thông tin này đã được người dân trong huyện và giới đầu tư bất động sản rỉ tai nhau trong suốt nhiều năm trước, vì thế giá đất đã rục rịch tăng từ cách đó vài năm rồi chứ không chờ đến lúc chính thức thành quận mới tăng.

Bên cạnh đó, nguồn hàng tại khu vực Từ Liêm thời điểm bấy giờ còn rất dồi dào do nhiều hàng tồn chưa bán được. Do đó, thông tin Từ Liêm lên quận khó có thể tác động nhiều tới thị trường. Ở thời điểm đó, cả người mua và người bán đều dè chừng, người bán thì chờ đợi các thông tin nâng cấp hạ tầng thế nào, giá có tăng được nữa hay không, còn người mua chủ yếu chỉ hỏi giá để tham khảo, nghe ngóng thông tin.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ người dân lẫn nhà đầu tư đều khá thận trọng, e dè trước thông tin lập hai quận mới tại Từ Liêm là bởi hầu hết giới đầu tư đều đã trải qua nhiều bài học chua xót trong việc “đón đầu quy hoạch” trong nhiều năm qua. Bài học về Ba Vì, Đông Anh, rồi Thanh Trì… chưa thể khiến họ quên được là phải “rất thận trọng” trước khi rót tiền.

Cảnh báo nhà đầu tư

Sau thời kỳ sốt nóng, tranh mua tranh bán giao đoạn 2007-2011, đất Hoài Đức được ví như nơi chôn tiền của các đại gia bất động sản. Đến nay, đi qua những khu đô thị Kim Chung Di Trạch, Nam An Khánh, Geleximco, Thiên Đường Bảo Sơn....nhiều người không khỏi ớn lạnh trước hàng nghìn căn biệt thị bỏ hoang, cỏ dại mọc cao hơn đầu người.


Các dự án tại Hoài Đức đã bàn giao nhà nhưng thiếu hạ tầng khiến người dân vẫn không thể về ở.

Các dự án tại Hoài Đức đã bàn giao nhà nhưng thiếu hạ tầng khiến người dân vẫn không thể về ở.

Còn nhớ thời sốt đất năm 2009, người người đặt tiền tranh suất tại các sàn bất động sản. Mỗi suất biệt thự, nhà liền kề tại An Khánh dù có giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ vẫn bán chạy, “đắt như tôm tươi”. Nhà liền kề của dự án đô thị Gleximco có giá gốc là 28 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường có thời điểm lên đến 45 triệu đồng/m2. Hay giá đất nền gốc biệt thự của dự án Nam An Khánh là 47 triệu đồng/m2, nhưng giá bán trên thị trường năm 2010 lên tới 80 triệu đồng/m2....

Sau cơn sốt ấy không ít đại gia đã phải bỏ hàng chục tỷ phơi sương phơi nắng suốt nhiều năm trời....Đến tận bây giờ, khi đã qua mức đỉnh hồi phục 2015-2016 nhưng hàng nghìn căn biệt thự trải dài từ Nam An Khánh cho tới Kim Chung Di Trạch vẫn bỏ hoang vẫn trơ xương, chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu hạ tầng....Chính vì vậy, khi nhắc đến thông tin Hoài Đức lên quận nhiều người nhà đầu tư vẫn không mặn mà bởi "vết thương cũ" vẫn chưa lành.

Có thể thấy, việc giá nhà đất khu vực Hoài Đức đang gia tăng giá là có thực. Song, đà tăng như hiện nay cũng là lời cảnh báo rủi ro rất lớn cho những người mua hàng cuối cùng, vì câu chuyện các cò nhà đất “mua tay trái, bán tay phải” nhằm nâng giá kiếm lời không phải không từng diễn ra với BĐS vùng ven. Đặc biệt hiện nay nhà đầu tư đất Hoài Đức chủ yếu mua đón trước hạ tầng trong khi đó, các trục giao thông quan trọng tại Hoài Đức như đường vành đai 3, vành đai 4 vẫn chưa được chính thức khởi công...

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên