MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đặt quyết tâm tinh giản nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong thực hiện”

Theo nhà báo Nhị Lê, nguyên do khiến chúng ta còn lúng túng trong việc thực hiện là do chưa định vị được vị trí, chức năng của từng bộ phận trong tổng thể bộ máy

Theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đến năm 2021, các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phải giảm được tối thiểu 10% biên chế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, sau 2 năm thực hiện tinh giản, số người được hưởng lương, phụ cấp tăng thêm 96.000 người. Nhận xét về kết quả này, Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng nghe con số này ai cũng có thể giật mình, nhưng nó là hệ quả đã để lại từ nhiều năm qua, tích tụ từ nhiều thời kỳ.

“Đặt quyết tâm tinh giản nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong thực hiện” - Ảnh 1.

Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

PV: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số lượng người hưởng lương, phụ cấp tăng thêm 96.000 người. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới số lượng tăng thêm đó?

Nhà báo Nhị Lê: Theo tôi, điều mà chúng ta lúng túng xưa nay là chưa định vị được vị trí, vai trò của các tổ chức trong bộ máy, nên mới sinh ra nhiều tầng lớp.

Thứ nữa, trong quá trình tuyển dụng, sự cả nể thậm chí cả những mánh lới để “đi tắt” vào bộ máy nhà nước làm cho bộ máy tiếp tục phình to.

Thứ ba, điều rất quan trọng là chúng ta thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, định vị trên cơ sở đó đánh giá đúng vị trí, vai trò của các bộ máy trong bộ máy lớn; vị trí, vai trò của từng người trong bộ máy. Bản thân các chế độ của ta cũng chưa thật sự phù hợp và minh bạch. Tất cả những điều đó làm chúng ta lúng túng trong việc giải quyết sự dư tồn trong bộ máy, đặc biệt là sự chồng chéo trong tổ chức bộ máy. Đây là những nguyên nhân trực tiếp làm cho bộ máy của ta vốn đã cồng kềnh lại tiếp tục cồng kềnh, làm cho số lượng cán bộ công chức trong bộ máy tiếp tục phình to chứ không giảm.

PV: Vậy việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của BCH TƯ Đảng liệu có khắc phục được những nguyên nhân mà ông vừa nêu, để có thể xoay chuyển con số 96.000 người tăng thêm thành con số tinh giản?

Nhà báo Nhị Lê: Tôi rất kỳ vọng vào 4 nhóm giải pháp lớn đặt ra trong Nghị quyết số 18 nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào. Mục tiêu đã rõ, nhưng quan trọng nhất là lộ trình, là bước đi, là những điều kiện cần và đủ để thực thi công việc lớn mà chúng ta đặt ra. Và điều quan trọng nhất khiến chúng ta mãi loay hoay trong nhiều năm qua là chưa kiên quyết. Điều đó đã làm cản trở việc sắp xếp bộ máy không chỉ về tổ chức mà đặc biệt về con người.

PV: Điều kiện cần và đủ như ông nói có vai trò rất quan trọng của cấp ủy cơ sở. Vậy việc chúng ta xây dựng kế hoạch, đề án có ý nghĩa ra sao trong lộ trình thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy?

Nhà báo Nhị Lê: Điều này thực tế đã cho thấy mục tiêu rất rõ ràng nhưng quan trọng vẫn là những giải pháp thực thi và bao trùm xuyên suốt lên toàn bộ công việc là chúng ta có quyết tâm, có dám làm hay không? làm được gì? làm đụng đến ai? ai giảm, giảm ai? Đó là câu chuyện đại sự đã tồn tại nhiều năm nay và cho đến tận bây giờ. Vai trò của cấp ủy là rất quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành bại của việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, không có sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính quyền, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự giám sát của nhân dân thì rất khó thành công.

Điều không thể không nhắc đến là sự chuẩn bị các điều kiện cần và đủ. Một bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc chúng ta phải nhận diện lại, định vị lại thì phải bắt đầu từ đâu, chính là từ cấp ủy.

Thứ hai, bộ máy cồng kềnh về số lượng thì phải giảm ai, ai giảm, vai trò chính yếu trước tiên thuộc về cấp ủy, nhưng như trên tôi đã nói, ở đó vẫn còn vô số lực cản đó là tâm lý, họ hàng, tình cảm. Những điều kiện đầy đủ về vật chất chuẩn bị cho tất cả các loại cán bộ có thể không đứng trong bộ máy nữa phải cần bao nhiêu tiền để giải quyết. Đó cũng là việc đại sự, nhưng sẽ thực thi ra sao, bởi nó liên quan đến nhiều ngành cần giải quyết. Một thiện chí tốt nhưng không đủ điều kiện để thực thi thì thiện chí vẫn chỉ nằm trên giấy.

PV: Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để bộ máy của hệ thống chính trị thực sự giảm chứ không phải càng hô giảm thì càng phình to như thời gian qua?

Nhà báo Nhị Lê: Như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân căn bản nhất là chúng ta chưa định vị được vị trí, chức năng của từng bộ phận trong tổng thể bộ máy và chưa định vị được từng bộ máy trong hệ thống lãnh đạo, quản lý của đất nước. Điều đó dẫn đến sự lúng túng. Một thời kỳ chúng ta tách thành nhiều bộ, sau một thời gian lại gộp lại, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế. Bộ máy như thế thì biên chế sẽ tiếp tục đi theo. Đặc biệt, điều khiến dư luận xôn xao thời gian qua là chuyện “cả họ làm quan”, “con ông cháu cha”, “quan hệ thân tộc, họ hàng” và nhiều chuyện khác nữa làm bộ máy phình to. Nhưng theo tôi, những câu chuyện đó không đáng lo ngại bằng tình trạng bổ nhiệm ào ạt kéo theo bộ máy lãnh đạo, quản lý ngốn không ít ngân sách, làm cho nó vốn đã trì trệ lại càng trì trệ hơn, bởi không ai dám xử lý ai vì rất nhiều ràng buộc.

Theo tôi, đột phá đầu tiên phải là định rõ vai trò, vị trí của người đứng đầu cấp ủy, đặc biệt là trách nhiệm và thái độ xử lý của các cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện Nghị quyết 18. Thứ hai, nếu không có những điều kiện cần và đủ bảo đảm cho việc thực hiện thì mọi ước mơ về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế vẫn chỉ là ước mơ. Tôi nghĩ rằng công cuộc tinh giản, sắp xếp bộ máy là một công cuộc lớn.

PV: Có ý kiến cho rằng giải pháp là đúng nhưng muốn tổ chức thực hiện đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và đi liền với nó phải có kiểm tra. Không phải cứ ra nghị quyết là xong?

Nhà báo Nhị Lê: Đó cũng là trăn trở của nhiều cấp ủy, đặc biệt cũng là trăn trở lớn nhất của BCH TƯ. Rất nhiều nghị quyết được ban hành nhưng việc thực thi chưa như mong muốn. Nút thắt nằm ở chỗ chúng ta thiếu sự kiểm tra. Nếu không có sự giám sát, kiểm tra từ cấp trên, từ bên cạnh, đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì rất khó thành công. Đi liền với kiểm tra là công tác kỷ luật, chúng ta buông lỏng kỷ luật thì dù là việc nhỏ cũng sẽ không thành công huống hồ đây là công việc lớn đụng chạm đến bộ máy, số phận của từng con người. Sự nêu gương chưa đủ mà phải có kỷ luật.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Đàm Hoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên