MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu với “cuộc chiến” nhân sự cấp cao ngành giáo dục

05-04-2017 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Các chương trình quốc tế nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, khiến cho cuộc "săn đầu người" trở nên ráo riết do tình trạng thiếu hụt nhân sự.

Tung “chiêu” lương khủng

Anh N., quản lý quốc tế vụ của một tập đoàn giáo dục lớn, nhận được cuộc điện thoại đề nghị anh về làm việc cho nơi mới với mức lương cao hơn gấp… bốn lần hiện tại.

Từ những ngày đầu năm 2017 đến nay, Giám đốc phụ trách giáo dục của một tập đoàn nổi tiếng bất động sản sắp mở trường tại TP.HCM tung những cuộc điện thoại “rà” khắp nơi, đặt thẳng vấn đề “về đây, lương gấp 4”. Anh N., một trong những người nhận được cuộc điện thoại này, chia sẻ: “Khi nghe đặt vấn đề 4 lần hay thậm chí 6,8 lần đi nữa, ngay tức khắc, chúng tôi suy nghĩ: họ đang làm giáo dục hay đang xem giáo dục là món hàng “ăn xổi ở thì” vậy?”.

Anh T., cũng là người thuộc một tập đoàn giáo dục nhận cuộc gọi tương tự, đồng quan điểm: “Chúng tôi hiểu rằng sự “phá giá” nào cũng không bền vững, lâu dài được, mà chỉ là tạm thời”.

Anh T. cũng tiết lộ: theo thông tin anh có thì trong hai năm qua, nhiều nhân sự cấp cao đã bị “dính chưởng” với tập đoàn săn người kèm mức lương khủng nói trên, trong một nhãn hàng về chăm sóc sức khỏe.

Số nhân sự “sao” cấp trưởng phòng, giám đốc từ các nơi khác tụ về tập đoàn này bị “vắt kiệt” thời gian và chất xám. Nhưng sau khi xây dựng xong hoạt động phòng, bộ phận, tiền lương của họ cách này cách khác giảm đi theo thời gian. Những người chấp nhận thì tiếp tục, khoảng 60% số nhân sự đó phải rời đi.

Cũng vậy, một tập đoàn khác đang đầu tư thành công một hãng hàng không thì xoay qua làm trường đại học ở phía Bắc nhưng không thọ được lâu, đành bán trường. Một trong những thất bại là không cạnh tranh nổi để giữ người tài.

Ông Mark William - chuyên gia nghiên cứu nhân lực toàn thế giới đến từ Anh - nhận định: “Hiện “cuộc chiến” toàn cầu về tìm người tài giỏi ở Singapore, Hongkong… đang “lan” ra Việt Nam và một số nước đang phát triển, ở một số lãnh vực, trong đó có giáo dục”.

Môi trường chất lượng là cạnh tranh khôn ngoan nhất

“70% thời gian một ngày của chúng ta là nơi làm việc. Nó không chỉ là tiền lương, mà là nơi nhân sự thấy mình hoàn toàn có thể gắn bó và cống hiến” - một chuyên gia nhân sự của FPT cho biết.

Tập đoàn FPT trong chiến lược phát triển của họ ở mảng công nghệ và về sau là đầu tư đại học FPT, chiến lược con người là ưu tiên một, trong tất cả các phát biểu liên quan từ cấp lãnh đạo. Theo họ, nhân sự, đặc biệt nhân sự cấp cao, sẵn sàng làm việc gấp 3 lần công sức, nếu họ thấy công ty công nhận thật sự giá trị của họ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc điều hành Hệ thống iSchool.

“Tiền không phải là tất cả với một nhân sự cấp cao. Tạo ra một môi trường công sở chất lượng là cạnh tranh khôn ngoan nhất của các doanh nghiệp” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, giám đốc điều hành Hệ thống iSchool (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng) nói.

Theo ông Tuấn, có 4 yếu tố của môi trường chất lượng, đó là: công việc ý nghĩa; sự ghi nhận và tưởng thưởng; niềm tin vào lãnh đạo và truyền thông trong tổ chức.

"Tập đoàn Nguyễn Hoàng giữ chân tôi lâu năm bởi tôi thấy mình được truyền cảm hứng từ hội đồng quản trị và công việc ý nghĩa vì được làm trong hệ thống giáo dục có triết lý Nhân bản" - ông Tuấn nói.

Navigos Search vừa công bố báo cáo có tên “Nhân sự cấp trung người Việt nghĩ gì về công việc hiện tại?", khảo sát trên 1.100 nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt, thâm niên từ 5 năm đến trên 20 năm.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc khu vực phía Nam của Navigos Search, khảo sát cho thấy điều không hài lòng về công ty, ngoài lương thì có ba lý do quan trọng, đó là chính sách đào tạo, sự thăng tiến, môi trường làm việc chuyên nghiệp.

"Cuộc chiến" toàn cầu tìm người tài đang lan qua Việt Nam, nhất là trong lãnh vực giáo dục.

Nói riêng lãnh vực giáo dục, “người được săn” - anh N. nói: “Người làm giáo dục muốn cống hiến thật nhiều cho người học, chứ không chỉ cho tổ chức. Tổ chức có bối cảnh và văn hóa phù hợp giúp tôi thực hiện được ước muốn và lẽ tự nhiên, người ta gắn bó với nơi đó”.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Với gần 2.000 nhân viên và 30.000 người học, chúng tôi có môi trường phát triển dài hạn, trong đó cả công ty và cộng sự "tìm ra nhau" trong triết lý và quan điểm làm việc, để mang đến quả ngọt và sự nhân bản cho người học - sản phẩm của giáo dục”.

Bà Lệ cho biết Tập đoàn Nguyễn Hoàng không “giành” nhân sự khi chỉ dựa vào một yếu tố là lương. Tập đoàn này chọn vị trí nhân sự cấp cao từ những nhân tố bên trong - những người đã làm một thời gian đủ để hiểu, chia sẻ và ngấm triết lý, chiến lược công ty. “Có như vậy mới tạo ra năng lượng làm việc hiệu quả và bền vững” - bà Lệ nói.

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên