MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu giá công khai đất “vàng” tránh thất thoát nguồn lực quốc gia

17-06-2017 - 09:01 AM | Bất động sản

​Tới đây, việc xác minh lại cũng như việc chuyển đổi, hóa giá đất công nói chung phải được thông tin rõ ràng cho người dân để người dân được giám sát quá trình này, tránh tình trạng chỉ có một vài cơ quan, một vài cá nhân tại các sở, ban ngành liên quan biết với nhau dẫn tới nguồn lực đất đai dễ bị thất thoát. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty địa ốc XANH trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan xung quanh việc quản lý sử dụng đất công.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng thất thoát trong chuyển đổi đất công, đặc biệt tại các khu đất có vị trí đắc địa ở các đô thị lớn?

Ở TP.HCM có hàng ngàn khu đất công trong quá trình cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã bị thất thoát do các DN thâu tóm. Trên cả nước nói chung con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Có những khu đất trong quá trình hóa giá đã bị giảm giá trị khoảng 2-3 lần so với giá trị thực tế tính theo giá thị trường.

Tại TP.HCM đã có bài học lớn từ việc bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, vốn là khu đất của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM vào năm 2015. Khu đất vàng này rộng 3.000m2, nằm ở cung đường “hot” bậc nhất Sài Gòn với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du. Theo định giá ban đầu, khu đất có giá gần 600 tỷ đồng, nhưng khi đưa ra đấu giá thì khu đất này đã được trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá ban đầu.

Như vậy chỉ với một mảnh đất nhỏ, nếu chúng ta bán hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá mà qua chỉ định thì chúng ta đã hụt đi một số tiền khổng lồ cho ngân sách nhà nước. Chưa kể những khu đất có diện tích lớn, việc quản lý, sử dụng đất không hiệu quả thì con số thất thoát còn lớn hơn rất nhiều.

Tôi cho rằng, đã có hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do cung cách quản lý đất công còn nhiều bất cập và kẽ hở trong thời gian vừa qua. Tôi đã từng đề cập nhiều lần về câu chuyện hóa giá bán chỉ định đất công làm mất hàng triệu tỷ đồng, hay câu chuyện xây dựng và chuyển giao BT, đổi đất lấy hạ tầng cũng đã gây ra những thất thoát lớn, trong khi Nhà nước rất khó khăn về ngân sách, tiềm lực tài chính còn yếu.

Nếu làm rõ những trường hợp mua bán, chuyển đổi đất công sẽ thấy hầu hết đều có thất thoát từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng. Dư luận băn khoăn, tại sao Nhà nước lại để xảy ra sự việc giao cho các DN quản lý các khu đất đó được sở hữu và bán, chuyển đổi đất đai được quản lý với giá rất rẻ? Những của cải đất đai của Nhà nước do quản lý không tốt dẫn tới thất thoát nguồn lực lớn từ cơ chế bán chỉ định những khu đất vàng, hoặc cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, trách nhiệm thuộc về ai?

Vậy theo ông thực trạng thất thoát nguồn lực của nhà nước trong cổ phần hóa DNNN, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hóa giá…, trách nhiệm thuộc về ai?

Thực tế thì những bất cập này vẫn đã và đang diễn ra mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi vẫn tự hỏi, tại sao không lấy bài học của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất công để chặn đứng hiện tượng này. Vừa qua, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công sang cho phép triển khai các dự án bất động sản qua hình thức bán chỉ định, hóa giá, cổ phần hóa… tại 60 dự án bất động sản.

Bộ Tài chính đã chỉ ra các "lỗ hổng" có thể gây thất thoát tài sản Nhà nước, theo đó khi cổ phần hóa DNNN, nhất là những DNNN đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, việc xác định giá trị DN không tính giá trị quyền sử dụng đất vào để cổ phần hóa, không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường.

Tôi cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính rất đúng đắn và mong rằng đây không phải là những dự án cuối cùng bị đề xuất thanh tra, mà chỉ là những dự án đầu tiên. Cần làm rõ quá trình chuyển đổi, bán chỉ định hoặc hóa giá có phạm luật hay không, có trục lợi hay không. Cần phải sớm thanh tra rõ ai là người có trách nhiệm, ai là người trục lợi trong những câu chuyện này để ngăn chặn hiện tượng này tiếp tục xảy ra. Những dự án bất động sản có nguồn gốc từ đất công hầu hết đều có hiện tượng trục lợi. Có lợi ích từ những người liên quan, từ người bán, người mua cổ phần cho đến người làm công tác xác định giá trị để bán hóa giá, bán chỉ định.

Theo ông, để ngăn chặn tình trạng này, cần có những quy định về chế tài như thế nào?

Tôi cho rằng Nhà nước cần khoanh lại tất cả những dự án có liên quan đến chuyển đổi, hóa giá đất vàng để điều tra, xem xét làm rõ giá trị thật của khu đất đó như thế nào, bằng cách so với giá trị của khu đất ở những công trình lân cận, so với giá thị trường vào thời điểm giao dịch để định lại giá khu đất ấy một cách chính xác, minh bạch và công khai.

Nếu DN muốn tiếp tục thì phải đóng đầy đủ số tiền chênh lệch, đồng thời các cơ quan Nhà nước và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trong việc để thất thoát vốn, tài sản quốc gia. Những kết quả xác minh phải được công khai rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tới đây, việc xác minh lại cũng như việc chuyển đổi, hóa giá đất công nói chung phải được thông tin rõ ràng cho người dân được giám sát, tránh tình trạng chỉ có một vài cơ quan, một vài cá nhân tại các sở, ban ngành liên quan như Sở: Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, UBND các địa phương họp kín với nhau để quyết định giá đất. Với những dự án đang làm thủ tục chuyển đổi, theo tôi, cần ngừng lại để xem xét, thẩm định lại.

Tôi vẫn luôn cho rằng, những khu đất công khi được chuyển đổi đều phải được đấu giá công khai, minh bạch, không ưu tiên cho bất cứ ai và lợi ích lớn nhất phải thuộc về Nhà nước. DNNN được giao quản lý, sử dụng đất công khi phải di dời thì tài sản là đất đai giao lại cho Nhà nước quản lý, Nhà nước đền bù bồi thường cho tài sản nhà xưởng mà DN xây dựng trên đó. Khu đất này sẽ được đấu giá công khai để thu lại cho ngân sách nhà nước khoản thu đúng với giá trị thực tế của nó.

Liên quan đến quản lý sử dụng đất công, dư luận xã hội đang nóng hổi câu chuyện từ chỗ tranh luận có hay không thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã làm hé lộ việc chủ đầu tư vẫn lên kế hoạch xây dựng các khu biệt thự, nhà hàng, khu căn hộ, trường học... trong sân golf. Thưa ông, vì sao lại có câu chuyện này?

Liên quan đến khu đất công thuộc Bộ Quốc phòng quản lý đang cho thuê để làm sân golf Tân Sơn Nhất, tôi cho rằng khi cần thì khu đất này phải được trả lại cho Nhà nước để phục vụ mục đích cần thiết. Những tài sản trên đó nếu có như biệt thự, nhà cửa... sẽ không được đền bù bởi trong hợp đồng cho thuê đã nói rõ là khi Nhà nước cần thì đất này ngay lập tức phải được trao trả. Khi thuê lại đất công nhàn rỗi, bản thân DN phải lượng được những thuận lợi, rủi ro khi đầu tư và khi rủi ro thì DN phải gánh chịu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên