MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là căn bệnh nguy hiểm nhất khi trời nắng nóng mà ai cũng phải tránh?

23-05-2018 - 08:29 AM | Sống

Nắng nóng kéo dài sẽ khiến cơ thể con người thích nghi không kịp, từ đó dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người hay lao động dưới nắng nóng.

Ai hay đổ bệnh khi trời nắng nóng?

Những ngày vừa qua, Hà Nội trải qua đợt nắng nóng với mức nhiệt giao động khoảng gần 40 độ C. Đây là đợt nắng nóng cao nhất từ đầu năm 2018 đến nay. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, vơi việc nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng cao, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Trưởng phòng khám VIAM) cho biết, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, người dân dễ mắc những căn bệnh thường gặp và nguy hiểm là: say nắng và say nóng.

"Những đối tượng có sức chịu đựng kém như trẻ nhỏ, người già yếu; những người làm việc tiếp xúc với môi trường nắng nóng mà điều kiện bảo vệ không tốt sẽ bị say nóng, say nắng", PGS Ninh cảnh báo.

PGS Ninh cho biết, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do khả năng điều hòa thân nhiệt của chúng chưa hoàn thiện, nên trẻ chậm thích nghi với nhiệt hơn người lớn, vì thế khả năng mắc bệnh khi trời nắng nóng rất dễ xảy ra.

Tương tự như trẻ nhỏ, với người cao tuổi hoặc những người bị các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, thận, tăng huyết áp, đái tháo đường có nguy cơ cao bị say nắng.

Riêng đối với những người lao động thường xuyên ngoài nắng nóng như công nhân xây dựng hoặc những người phải tập luyện thể dục thể thao ngoài trời nắng nóng như các vận động viên, cầu thủ bóng đá có khả năng cao bị say nắng và sốc nhiệt khi nhiệt độ tăng cao.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không tốt như thiếu nước và chất dinh dưỡng khác cũng làm tăng nguy cơ say nóng, say nắng. Các dấu hiệu gặp phải như tăng nhiệt độ cơ thể, mặt đỏ, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, khó thở, thậm chí là ngất.

Cơ chế gây say nắng, say nóng là gì?

Đâu là căn bệnh nguy hiểm nhất khi trời nắng nóng mà ai cũng phải tránh? - Ảnh 1.

Theo phân tích của PGS Nguyễn Xuân Ninh, say nắng thường gặp ở người lao động hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng. Khi đó, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy.

Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

Như vậy say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Còn đối với say nóng, PGS Ninh cho rằng đó là do tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh.

"Ánh nắng mặt trời và sức nóng là 2 tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể. Đó là khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...).

Ngoài ra, những người hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh.

Từ đó sẽ dẫn đến tính trạng say nóng", PGS Ninh phân tích.

Dự phòng say nắng, say nóng như thế nào?

Đâu là căn bệnh nguy hiểm nhất khi trời nắng nóng mà ai cũng phải tránh? - Ảnh 2.

Với điều kiện thời tiết như hiện nay, người dân phải luôn có phương án dự phòng say nắng, say nóng. Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.

- Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…

- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

- Thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha chút muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây.

- Nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.

Theo Lê Phương

Trí thức trẻ

Trở lên trên