MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là lời giải cho sự đa dạng ở ASEAN trong thời đại 4.0?

Sự đa dạng trong ASEAN là chủ đề của một phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Hà Nội chiều 12/9.

Khu vực ASEAN từ lâu luôn tôn vinh sức mạnh của sự đa dạng các nền văn hóa, nhưng chủ nghĩa đa nguyên ở cấp độ các quốc gia lại đối mặt với nhiều nguy cơ trong thời gian gần đây như chủ nghĩa khủng bố.

Indonesia là một ví dụ. Indonesia là miền đất của sự đa dạng các tôn giáo, tín ngưỡng và dung hòa giữa các dòng quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, những căng thẳng về sắc tộc đang nổi lên.

Philippines cũng bị chia rẽ bởi những chính sách mới. Ông Miguek Syjuco (42 tuổi) - giảng dạy tại Đại học New York, chia sẻ với tư cách là một người Philippines: "Trong đời, chưa bao giờ tôi thấy Philippines lại bị chia rẽ đến như vậy".

Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, ASEAN có nhiều cơ hội để thúc đẩy sự đa dạng trong khu vực. Chiến thắng của đảng đối lập tại Malaysia mở ra một triển vọng mới cho nền dân chủ nước này.

Vậy ASEAN cần làm thế nào để thúc đẩy sự đa dạng trong khu vực? "Sự đa dạng giống như một bài hát có nhiều giọng khác nhau. Quan trọng là chúng ta có chịu lắng nghe những tiếng hát với những tông khác nhau hay không trong cùng một nội dung bài hát", một đại biểu nhận định tại World Economic Forum chiều qua.

Tôn vinh các sắc tộc và tôn giáo

Các quốc gia trong ASEAN đều đa dạng về tôn giáo và sắc tộc. Indonesia có cộng đồng đạo Hồi và Cơ đốc giáo. Myanmar là vùng đất của Phật giáo và các tôn giáo khác. Tương tự, Việt Nam cũng là đất nước đa dạng về niềm tin tôn giáo. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đều đa dạng về các dân tộc khác nhau cùng chung sống.

"Có thể nói các cộng đồng tôn giáo có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hòa bình. Jakarta thể hiện rất rõ giữa một bên là Hồi giáo, một bên là Cơ đốc giáo cũng như một bên là Phật giáo. Họ chung sống với nhau. Đấy chính là một giá trị mà chúng ta cần thúc đẩy trong 1 xã hội có nhiều tôn giáo, nhiều sắc tộc khác nhau cùng song song tồn tại", ông Kyoichi Sugino, Phó Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Tôn giáo vì Hòa bình, nhận xét.

Vì vậy, để có thể xây dựng sự gắn kết trong một xã hội đa dạng, các Chính phủ cần tạo ra một hội đồng đa dạng có nhiều đại diện đến từ các tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Ngoài ra, những diễn ngôn mang tính chia rẽ trong xã hội cũng cần được thay đổi. Ví dụ, người dân cần thay đổi quan điểm về người Hồi giáo để nhìn nhận họ từ góc nhìn hòa bình hơn thay vì gắn tôn giáo của họ với chủ nghĩa khủng bố.

Tiếng nói của các nhóm thiểu số

Bà Emilie Pradichit, Giám đốc Manushya Foundation tại Thái Lan, cho biết tương lai đa dạng của ASEAN chỉ có hy vọng nếu tiếng nói của những người thiểu số được lắng nghe, như người tị nạn hay người LGBT. Vấn đề bất bình đẳng của các nhóm thiểu số cần được đưa vào trọng tâm trong các thảo luận về chính sách. Bà cũng cho rằng người châu Á nhìn chung ít vị kỷ, có xu hướng chia sẻ và mang nhiều sự thương cảm lẫn tình yêu thương.

Khi nhiều người được cất tiếng nói thì nhiều bối cảnh khác nhau được tạo ra để con người cùng hợp tác. Bà Emilie mô tả sự hợp tác này giống như nhiều chiếc đũa đơn lẻ, khi hợp lại sẽ thành một bó đũa lớn hơn.

Bên cạnh đó, phụ nữ và thanh niên cần được khuyến khích tham gia chính trị và nắm các vị trí quyền lực. Họ không chỉ đại diện cho cộng đồng của họ mà còn có nhiều ý tưởng và tiềm năng đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo.

Ông Syjuco - giảng viên Đại học New York cho rằng, việc nêu tiếng nói và có lá phiếu trong xã hội là rất quan trọng. "Đối với tôi, sự đa dạng là một nhân tố then chốt, đó là tất cả các bộ phận trong xã hội phải được quyền tiếp cận quyền lực và vị trí đại diện để bảo vệ quyền cũng như lợi ích của họ", ông nói.

 Thị trường các ý tưởng thời kỳ 4.0

Trong thời đại có nguy cơ độc quyền về mặt tư tưởng, công nghệ 4.0 có thể giúp cải thiện tình hình. Ông John Riady, Giám đốc điều hành của Lippo Group, nhận xét rằng công nghệ tạo ra sự minh bạch và tạo ra thị trường các ý tưởng. Thực tế, các diễn đàn cũng như mạng xã hội mở ra một không gian để con người phần nào tự do thể hiện các quan điểm của mình, và lan tỏa đến các thành viên khác trong xã hội. Điều này thực sự khác với trước đây, khi mà truyền thông đại chúng như TV là kênh duy nhất để tiếp nhận tin tức.

Tuy vậy, mặt trái của công nghệ có thể là các thông tin giả không được kiểm chứng. Vì vậy, người dân cần được trang bị kiến thức về việc tiếp cận thông tin cũng như khả năng thông hiểu truyền thông (media literacy). Theo ông Riady, trách nhiệm của các nước là đóng vai trò tích cực và đảm bảo tiếng nói của người dân trong một thị trường ý tưởng minh bạch hơn.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên